Tuân thủ điều trị ở người bệnh tăng huyết áp được quản lý điều trị tại các trạm Y tế huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng năm 2023 và một số yếu tố liên quan
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thị Anh Thơ - Trường Đại học Y tế công cộng, Nguyễn Đức Hòa - Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bùi Thị Tú Quyên - Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện với mục tiêu nhằm mô tả thực trạng tuân thủ điều trị của người bệnh tăng huyết áp được quản lý điều trị tại các trạm Y tế huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng năm 2023 và xác định một số yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị của người bệnh Tăng huyết áp được quản lý điều trị tại các TYT huyện Hòa Vang.
Ảnh minh họa
Hàng năm, thế giới có 9,4 triệu người tử vong do tăng huyết áp (THA). Dự báo đến năm 2025, có khoảng 2 tỷ người bị THA. Tăng huyết áp là bệnh mạn tính, cần theo dõi thường xuyên, điều trị đúng, lâu dài, đủ hàng ngày. Nếu người bệnh (NB) THA tuân thủ (TT) theo hướng dẫn của cán bộ y tế (CBYT) thì sẽ quyết định sự thành công của điều trị. Thời gian gần đây, một số công trình nghiên cứu cũng đã quan tâm đến vấn đề tuân thủ điều trị (TTĐT) của NB. Một số nghiên cứu tập trung vào 4 TTĐT bệnh THA, đó là dùng thuốc, điều chỉnh lối sống, đo HA thường xuyên và tái khám định kỳ nhưng tỷ lệ TTĐT của NB tương đối thấp, chỉ khoảng 15-30%. Hòa Vang là huyện nông nghiệp ngoại thành của thành phố Đà Nẵng. Trong những năm gần đây, bệnh không lây nhiễm có xu hướng gia tăng trên địa bàn huyện, nhất là bệnh THA.
Sử dụng nghiên cứu cắt ngang có phân tích được tiến hành từ tháng 6/2022 đến tháng 4/2023 trên 360 người bệnh tăng huyết áp đang được quản lý điều trị tại các TYT huyện Hòa Vang.
Kết quả cho thấy: Tỷ lệ tuân thủ điều trị chung của người bệnh là 16,7%, tuân thủ cao nhất là tái khám định kỳ (84,2%), và tuân thủ thấp nhất là theo dõi huyết áp ở nhà (22,5%). Thời gian điều trị, trình độ học vấn, sự hỗ trợ của cơ sở y tế và kiến thức là các yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị bệnh tăng huyết áp.
Tỷ lệ NB tuân thủ điều trị THA ở huyện Hòa Vang là rất thấp, với kết quả lần lượt từ cao xuống thấp: TT tái khám định kỳ, kế đến là TT sử dụng thuốc; thứ 3 là TT hành vi lối sống; cuối cùng là TT theo dõi HA ở nhà rất thấp. Có 4 yếu tố liên quan đến TTĐT của NB, đó là TĐHV, thời gian điều trị, sự hỗ trợ từ CSYT và yếu tố Kiến thức. Không có mối liên quan giữa tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân và các yếu tố khác với TTĐT THA của NB.
CBYT cần nâng cao hiệu quả việc tư vấn chia sẻ động viên NB, chú trọng đến BN có trình độ học vấn thấp, NB mới đưa vào quản lý điều trị. Bản thân NB cần TT tốt các hướng dẫn của CBYT và thường xuyên cập nhật kiến thức về bệnh và TTĐT bệnh. Gia đình NB cần quan tâm, nhắc nhở người thân trong quá trình điều trị THA để phòng biến chứng xảy ra.
Tạp chí Khoa học Nghiên cứu Sức khỏe và Phát triển (Tập 07, Số 06-2023)