SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực trạng hoạt động thể lực của sinh viên Bác sĩ y khoa năm cuối trường Đại học Y Hà Nội và một số yếu tố liên quan

[26/07/2024 14:10]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thị Thu Hường, Hồ Mai Hương thuộc Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện với mục tiêu là hoạt động thể lực giúp tăng cường sức khỏe, phòng tránh bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Nghiên cứu nhằm mô tả thực trạng hoạt động thể lực ở sinh viên hệ bác sĩ năm cuối Trường Đại học Y Hà Nội năm 2023 và phân tích mối liên quan đến hoạt động thể lực.

Ảnh minh họa

Hoạt động thể lực (HĐTL) bao gồm các loại hoạt động khác nhau có thể được thực hiện trong các loại môi trường khác nhau, bao gồm thể thao, giải trí, vui chơi, đi bộ và đi xe đạp liên quan đến giao thông, cũng như vận động chung được thực hiện như một phần của cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như mua sắm, dọn dẹp, hoặc leo cầu thang. Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2019, ít nhất 30% người trưởng thành ở nước ta thiếu HĐTL theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thanh thiếu niên nói chung và sinh viên nói riêng là đối tượng có năng lực HĐTL mạnh nhất trong tất cả các nhóm dân số. Tại Việt Nam, đã có một số nghiên cứu về HĐTL trên sinh viên và một số yếu tố liên quan. Nghiên cứu tại Trường Đại học Tây Bắc năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sinh viên hoạt động thể lực đạt khuyến nghị là 54,4%. Nghiên cứu của Ngô Thị Tâm và cộng sự thực hiện trên sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội năm 2022 đã cho thấy tỷ lệ HĐTL đạt khuyến nghị ở sinh viên là 35,3%. Cũng trên đối tượng sinh viên Y Hà Nội, tác giả Phùng Chí Ninh và cộng sự năm 2022 đã chỉ ra tỷ lệ sinh viên HĐTL đạt khuyến nghị là 51,8%.

Các nghiên cứu hiện nay trên sinh viên y nói chung hầu như đều tìm ra mối liên quan giữa HĐTL với các đặc điểm về nhân khẩu học, đặc điểm về học tập, lối sống, kinh tế. Tuy nhiên, chưa thấy các nghiên cứu này chỉ ra được mối liên quan giữa HĐTL với một số yếu tố liên quan về nghiện internet, sức khỏe tâm thần ở sinh viên y. Do vậy, việc tìm hiểu về thực trạng HĐTL của sinh viên y năm cuối cũng như liên quan đến một số yếu tố về rối loạn hành vi, sức khỏe tâm thần là cần thiết để đưa ra khuyến nghị phù hợp.

Sử dụng phương pháp thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 318 sinh viên hệ bác sĩ năm cuối của 4 chuyên ngành (bác sĩ Đa khoa, bác sĩ Y học dự phòng, bác sĩ Răng hàm mặt và bác sĩ Y học cổ truyền) đang học tập tại trường Đại học Y Hà Nội. Bộ công cụ được thiết kế thu thập online. Phân tích hồi quy logistic để tìm mối liên quan giữa một số yếu tố với tình trạng hoạt động thể lực theo khuyến nghị.

Kết quả cho thấy: Tỷ lệ sinh viên bác sĩ y khoa năm cuối có hoạt động thể lực không đạt khuyến nghị là 46,5%. Tỷ lệ sinh viên bác sĩ y khoa năm cuối có hoạt động thể lực nặng, vừa, thấp/không có lần lượt là 7,2%; 44,3%; 48,4%. Kết quả phân tích đa biến cho thấy khả năng đạt hoạt động thể lực theo mức khuyến nghị của nhóm sinh viên không béo phì (BMI<25) cao hơn so với nhóm sinh viên béo phì (BMI≥25) (OR = 2,3; 95%CI: 1 - 5,25); nhóm sinh viên có học lực giỏi cao hơn so với nhóm sinh viên có học lực khá, trung bình khá (OR=1,86; 95% CI: 1,07 - 3,23); và nhóm sinh viên không nghiện internet cao hơn so với nhóm sinh viên nghiện internet (OR=1,66; 95%CI: 1,11 - 2,7).

Tỉ lệ sinh viên bác sĩ y khoa năm cuối có hoạt động thể lực ở mức khuyến nghị chưa cao, cần có những thay đổi về hành vi, sinh hoạt lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực ở sinh viên. Và nên có các chương trình, hoạt động thể thao nhằm khuyến khích HĐTL tại trường để sinh viên tham gia tích cực hơn.

Tạp chí Khoa học Nghiên cứu Sức khỏe và Phát triển (Tập 07, Số 06-2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ