Tục thờ Quan Âm Nam Hải của cư dân ven biển Tây Nam bộ
Văn hóa biển Tây Nam bộ là một hợp phần quan trọng của văn hóa biển Việt Nam và được các nhà nghiên cứu đề cập đến ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong văn hóa biển Tây Nam bộ, tục thờ Quan Âm Nam Hải là một trong các loại hình tín ngưỡng có độ lan tỏa lớn đối với cư dân ven biển ở khu vực. Bài viết tập trung làm rõ nguồn gốc, giá trị tục thờ Quan Âm Nam Hải của cư dân ven biển Tây Nam bộ, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy loại hình tín ngưỡng này trong bối cảnh hiện nay.
Sự có mặt gần như hầu khắp của tượng Quan Âm Nam Hải trên Phật điện chùa Việt và quá trình phát triển của tục thờ Quan Âm Nam Hải trong suốt chiều dài lịch sử đã cho thấy, trong thế giới tâm linh và tâm thức của người Việt, hình tượng Quan Âm Nam Hải được coi là biểu tượng của sự cảm thông, chia sẻ, cứu vớt chúng sinh và thường được ngư dân và thương gia có liên quan đến các hoạt động trên biển tôn thờ.
Những suy luận từ địa văn hóa, tâm thức người Việt, bản chất của đạo Phật, lịch sử hình thành đạo Phật và nguồn gốc tục thờ Quan Âm Nam Hải cho thấy, đạo Phật, tục thờ Quan Âm Nam Hải ở Việt Nam chính là sự pha trộn văn hóa bản địa và văn hóa Phật giáo (Đoàn Thị Mỹ Hương, 2015: 48).
Mặc dù khoa học đã phát triển mạnh mẽ so với trước đây nhưng con người vẫn chưa thể tiệm cận hay giải thích được hết những bí ẩn của vũ trụ và các hiện tượng ngẫu nhiên của thế giới tâm linh. Với những giá trị tốt đẹp (như: đáp ứng nhu cầu tâm linh; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, bảo tồn văn hóa; cố kết cộng đồng; giáo dục đạo đức con người; phát triển kinh tế, du lịch...), tục thờ Quan Âm Nam Hải đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của cư dân ven biển Tây Nam bộ.
Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị tục thờ Quan Âm Nam Hải là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các cán bộ quản lý văn hóa tại những địa phương có tục thờ Quan Âm Nam Hải cần nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của tục thờ Quan Âm Nam Hải qua việc phổ biến, tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành về tôn giáo, tín ngưỡng tổ chức các tọa đàm, hội thảo khoa học... về tín ngưỡng này.
Bên cạnh đó, các di sản văn hóa vật thể liên quan đến tục thờ Quan Âm Nam Hải bao gồm các tranh, đồ thờ, tượng thờ Quan Âm Nam Hải tại các chùa, miếu Quan Âm Nam Hải ở khắp các khu vực ven biển, hải đảo ở Tây Nam bộ và chùa Quan Âm Phật Đài tại tỉnh Bạc Liêu hay các di sản văn hóa phi vật thể - các loại hình nghệ thuật truyền thống được tổ chức trong không gian lễ hội Quan Âm Nam Hải như đờn ca tài tử, múa lục cúng hoa đăng, thư pháp Việt… là những di sản chứa đựng những giá trị văn hóa và lịch sử quan trọng của dân tộc cần được đầu tư kinh phí bằng ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa một cách kịp thời với sự tư vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực này.
Việc nghiên cứu, bảo tồn các giá trị của tục thờ Quan Âm Nam Hải không chỉ đồng nghĩa với việc “phục cổ”, “bảo tồn nguyên vẹn” mà còn là sự sáng tạo và làm mới các hoạt động liên quan đến loại hình tín ngưỡng này, chẳng hạn như đẩy mạnh các hoạt động du lịch tâm linh một cách đa dạng, phong phú, kết hợp truyền thông, quảng bá về tục thờ Quan Âm Nam Hải với việc tận dụng lợi thế khoa học, công nghệ... của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại; khuyến khích sáng tác những bài hát, những điệu múa ca ngợi về Quan Âm Nam Hải, sử dụng các thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại trong lễ hội Quan Âm Nam Hải để tạo hiệu ứng, tăng thêm tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia nhưng vẫn giữ được giá trị, ý nghĩa và nét đẹp truyền thống vốn có của tục thờ này.
Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, số 10, 2023