SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Mức độ tàn tật ở bệnh nhân phong tại tỉnh Bình Thuận và một số yếu tố liên quan

[29/07/2024 10:37]

Nghiên cứu do các tác giả Huỳnh Phan Ngọc Bửu thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, Trần Thị Hồng Diễm thuộc Trường Đại học Phan Thiết thực hiện với mục tiêu nhằm xác định mức độ tàn tật ở bệnh nhân (BN) phong tại tỉnh Bình Thuận năm 2022 và một số yếu tố liên quan.

 

Bệnh phong là một bệnh nhiễm khuẩn, mạn tính, gây ra bởi một loại trực khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium leprae, do nhà bác học Armauer Henrik Gerhard Hansen tìm ra năm 1873 tại Bergen, Na Uy (nên còn được gọi là trực khuẩn Hansen).

Bệnh phong không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và thích hợp, bệnh nhân sẽ bị suy giảm hoặc mất chức năng thần kinh dẫn đến tàn tật nặng nề, làm hạn chế khả năng lao động và sinh hoạt bình thường. Tàn tật ở bệnh phong có thể làm mặt, chân, tay bệnh nhân biến dạng. Những tàn tật này không những ảnh hưởng đến đời sống vật chất mà còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống tinh thần của bệnh nhân, là nguyên nhân của sự sợ hãi, thành kiến, xa lánh, hắt hủi và kỳ thị của xã hội. Để có thể áp dụng một cách dễ dàng trên thực địa, WHO đã đưa ra cách phân loại tàn tật đơn giản có 3 độ: độ 0, 1, 2 căn cứ trên các tổn thương ở bàn tay, bàn chân và ở mắt bàn chân, cụ thể Bàn tay, bàn chân: Độ 0: Không mất cảm giác, không có tàn tật; Độ 1: Mất cảm giác lòng bàn tay, bàn chân, không có tàn tật nhìn thấy; Độ 2: Có các tàn tật nhìn thấy được (cò ngón, rụt ngón, teo cơ, loét, cụt, rụt). Với các tổn thương ở mắt bàn chân: Độ 0: Không có tổn thương và thị lực không bị ảnh hưởng; Độ 1: Có tổn thương nhưng thị lực ảnh hưởng không nghiêm trọng (có thể đếm được ngón tay ở khoảng cách 6 mét); Độ 2: Thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng: Không thể đếm được số ngón tay ở khoảng cách 6 mét, có mắt thỏ, đục giác mạc, viêm mống mắt thể mi.

Bình Thuận là một trong những tỉnh có dịch tễ bệnh phong cao nhất cả nước. Hiện tại, tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra và công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện đối với 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, Bình Thuận hiện vẫn còn quản lý 385 bệnh nhân phong và có đến hơn 99% bệnh nhân phong có tàn tật cần chăm sóc tàn tật suốt đời (tàn tật độ 1, độ 2). Lượng bệnh nhân phong cần được chăm sóc tàn tật còn nhiều nhưng nguồn lực cả về kinh phí, nhân lực, vật lực và sự quan tâm của hệ thống chính trị ngày càng giảm vì đã loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. Vì vậy cần xác định mức độ, loại hình tàn tật và yếu tố nào liên quan để đề ra giải pháp can thiệp thích hợp là nhiệm vụ quan trọng.

Sử dụng phương pháp nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên 369 BN phong tàn tật tại tỉnh Bình Thuận năm 2022. Nhập liệu bằng phần mềm Epidata 3.1, xử lý số liệu bằng phần mềm Stata. Dùng phép kiểm Chi bình phương (χ2) để kiểm định mối liên quan giữa các biến số định tính hoặc kiểm định chính xác Fisher (khi tần số lý thuyết nhỏ hơn 5 hay có > 20% số ô có vọng trị nhỏ hơn 5). Xác định mức độ liên quan bằng giá trị PR và khoảng tin cậy 95%

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Tỉ lệ tàn tật độ 2 ở BN phong rất cao (90,5%) và đa dạng nhiều loại hình tàn tật ở cả mắt, tay, chân. Trình độ học vấn tỉ lệ nghịch với tỉ lệ tàn tật độ 2; BN có mức sống thấp thì tỉ lệ tàn tật độ 2 cao gấp 1,25 lần (KTC95%: 1,10 – 1,42). Người trong gia đình kỳ thị làm tăng tỉ lệ tàn tật gấp 1,16 lần (KTC95%: 1,08 – 1,24) và người xung quanh kỳ thị tăng gấp 1,18 lần (KTC95%: 1,10 – 1,25). Kiến thức chăm sóc tàn tật ở tay chưa đúng cao gấp 1,43 lần (KTC95%: 1,18 – 1,74); Kiến thức chăm sóc tàn tật ở chân chưa đúng cao gấp 1,32 lần (KTC95%: 1,16 – 1,50).

Tỉ lệ tàn tật độ 2 ở BN phong cao; sự kì thị của người thân trong gia đình, cộng đồng, và kiến thức của BN thấp là các yếu tố liên quan đến tàn tật độ 2. Vì vậy, cần đẩy mạnh truyền thông cho gia đình và cộng đồng để giảm sự kỳ thị đối với BN phong. Nâng cao kỹ năng tư vấn của chuyên trách phong tuyến xã để chăm sóc, tư vấn nâng cao kiến thức BN phong trong chăm sóc tàn tật.

Tạp chí Khoa học Nghiên cứu Sức khỏe và Phát triển (Tập 08, Số 02-2024)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài