SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhìn lại hệ thống ngôn ngữ mạng của giới trẻ Việt Nam hiện đại

[30/07/2024 08:28]

Mạng xã hội là một “thế giới thu nhỏ” của người trẻ. Ở đó, người trẻ có thể tự do bộc lộ suy nghĩ, tình cảm và xây dựng cả một hệ thống ngôn ngữ của riêng mình. Đầu năm 2024, nhóm tác giả đến từ trường Đại học Cần Thơ đã có một nghiên cứu nhằm khái quát lại bức tranh toàn cảnh về thực trạng sử dụng ngôn ngữ mạng của giới trẻ Việt Nam trong thập kỉ qua.

Bản chất của Ngôn ngữ mạng là một biến thể của ngôn ngữ tiếng Việt được sử dụng dưới dạng cách tân, tạo thành “bảng mã” của một nhóm người riêng biệt, không tham gia vào quá trình vận động của ngôn ngữ học chính thống. Sở dĩ nó được tách ra và sử dụng với tên gọi Ngôn ngữ mạng là bởi tiến trình vận động và phát triển của nó chủ yếu trên không gian mạng và giới hạn sử dụng cũng chỉ dừng lại ở đó.

Thông qua khảo sát hơn 2000 bình luận của người trẻ trong các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, nhóm tác giả Đào Duy Tùng- Hồ Thanh Quyên (Khoa KHXH&NV, trường Đại học Cần Thơ) đã khái quát được bức tranh toàn cảnh của hiện tượng sử dụng ngôn ngữ mạng từ việc tiếp cận các phương thức cấu tạo của nó.

Chia theo phương thức cấu tạo, ngôn ngữ mạng tồn tại dưới các dạng thức sau:

Biểu đồ 1. Biểu đồ các phương thức cấu tạo Ngôn ngữ mạng

Trong hơn một thập kì hình thành và phát triển (2013- 2024), ngôn ngữ mạng đã kế thừa, biến đổi đổi và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người trẻ. Có thể thấy, ngôn ngữ mạng góp phần giúp việc trao đổi thông tin của giới trẻ được thực hiện nhanh hơn, tiện lợi hơn, góp phần biểu đạt cảm xúc tốt hơn.

Tuy nhiên, ngôn ngữ mạng vẫn là loại ngôn ngữ cần được cân nhắc cẩn thận khi sử dụng, tránh những hệ lụy trong học tập và công việc, như: hiểu nhầm khi giao tiếp, ảnh hưởng đến vốn từ vựng tiếng Việt của cá nhân,…

Bên cạnh đó, cần có ý thức cao trong việc bảo vệ và giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, như Phạm Xuân Thạch nhận định: "Trong ngôn ngữ, cần có sự giáo dục phù hợp với hoàn cảnh, dạy công dân của chúng biết cách sử dụng ngôn ngữ thích ứng đúng với hoàn cảnh giao tiếp và đối tượng giao tiếp, biết giới hạn sự sáng tạo ngôn ngữ ở mức chừng mực. Ở đây, điều sâu xa hơn là tạo ra cội rễ, nền tảng văn hóa cho mỗi con người, để biết lúc nào, với đối tượng nào, hoàn cảnh nào thì sử dụng ngôn ngữ gì, và biết biến đổi ngôn ngữ như thế nào là phù hợp. Tôi nghĩ đó là vai trò quan trọng của giáo dục. Cùng với cái nhìn bao dung của xã hội, ngôn ngữ sẽ vận động đúng với quỹ đạo cần có của nó trong đời sống”. Ngôn ngữ là linh hồn của một quốc gia, là sự khẳng định bản sắc dân tộc của con người Việt Nam, là “tài sản chung, là phương tiện giao tiếp chung của cả cộng đồng xã hội” và các vấn đề như: thanh, âm, vần điệu, kí tự, từ ngữ,… đều phải tuân theo quy tắc chung của tiếng Việt, nên người viết ngôn ngữ mạng xã hội phải lưu ý để bảo vệ tinh hoa ngôn ngữ tiếng Việt.

Kỉ yếu Hội thảo KHXHNV cấp Quốc gia, lần 1, trường Đại học Cần Thơ, 2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ