SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chế biến bánh phồng bổ sung rong nho (Caulerpa lentillifera) và bột đậu xanh (Vigna radiata)

[07/01/2025 15:18]

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đưa ra công thức, chế độ sấy bánh phồng bổ sung rong nho và bột đậu xanh, điều kiện bảo quản, đa dạng hóa sản phẩm từ rong nho cũng như các sản phẩm bánh phồng, tận dụng được nguồn nguyên liệu tự nhiên và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, rong nho (Caulerpa lentillifera) là một loại rong biển có hình dạng giống như chùm nho tên thường gọi là rong nho và còn được mệnh danh là trứng cá hồi xanh (green caviar) hoặc nho biển (sea grapes). Rong nho có hàm lượng calo thấp và chứa hàm lượng đạm cao có thể thay thế nguồn đạm động vật giúp cân bằng thành phần dinh dưỡng cho người ăn kiêng. Bên cạnh đó, rong nho cung cấp chất chống oxi hóa tự nhiên, là chất kháng khuẩn phong phú, chất xơ dễ tiêu hóa, axit amin thiết yếu, vitamin, axit béo không bão hòa và khoáng chất (Roohinejad et al., 2017). Hơn nữa, rong biển được biết đến là một trong những nguồn iốt tự nhiên tốt nhất (Zimmermann, 2008) và là phương pháp điều trị bệnh bướu cổ truyền thống. Nồng độ iốt của chúng khác nhau giữa các loài nhưng rong biển đã được xác định có chứa các mức từ 4,3 đến 2660 mg/kg (Lee et al., 1994). Bên cạnh, hàm lượng iốt của rong nho phế liệu là 4340 𝜇𝜇g/kg (Le, 2020). Đặc biệt trên các thị trường hiện tại, rong nho trong nước đang có xu hướng phát triển vượt trội do hiệu quả mà nó mang lại rất lớn như giảm cân, làm đẹp, tăng đề kháng. Các thực phẩm giàu rong nho nói chung và chiết xuất rong nho có khả năng chống lại các bệnh như béo phì, rối loạn mỡ trong máu, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, phòng ngừa ung thư (Roohinejad et al, 2017). Bổ sung rong nho vào thực phẩm giúp ổn định cấu trúc và tăng giá trị cảm quan cho sản phẩm thực phẩm. Các pectin trong rong khi bổ sung vào thực phẩm có khả năng tăng độ nhớt, tạo thành gel (Elleuch et al., 2011). Ngoài ra, rong nho có thể được sử dụng thay thế cả rau xanh nhưng có giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều so với các loại rau củ thông thường (Ohno, 1993). Vì rong nho mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng nên nhu cầu sử dụng rong nho ngày càng cao. Do đó, việc nghiên cứu phương pháp cải tiến và đa dạng hóa sản phẩm từ rong nho là cần thiết.

Nghiên cứu bao gồm 5 khảo sát về tỉ lệ hỗn hợp bột (bột năng + bột mì): bột đậu xanh đến chất lượng sản phẩm, tỉ lệ rong nho (Caulerpa lentilifera) bổ sung vào sản phẩm, tỉ lệ muối trong công thức phối trộn bánh phồng đến giá trị cảm quan của sản phẩm, nhiệt độ sấy ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, bảo quản sản phẩm bánh phồng bổ sung rong nho (Caulerpa lentilifera) và bột đậu xanh (Vigna radiata).

Kết quả thí nghiệm cho thấy sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất có tỷ lệ hỗn hợp bột (bột năng+ bột mì): bột đậu xanh là 7:1, tỷ lệ rong nho bổ sung là 18 %, tỷ lệ gia vị muối là 0,8 %, sấy 55 trong thời gian 12 giờ. Hơn nữa, kết quả bảo quản ở 21 ngày cho thấy tổng số vi sinh vật hiếu khí nằm trong giới hạn cho phép sử dụng. Sản phẩm cho chất lượng tốt về cảm quan cao, màu sắc, độ ẩm, độ nở và độ giòn.

Sản phẩm bánh phồng bổ sung rong nho và bột đậu xanh có chất lượng tốt nhất về cảm quan, màu sắc, độ nở, độ ẩm và độ giòn đạt giá trị tối ưu ở tỷ lệ hỗn hợp bột (bột năng + bột mì): bột đậu xanh là 7:1, bổ sung rong nho ở hàm lượng 18 %, tỷ lệ gia vị muối: đường: bột ngọt là 0,8 %:4%:0,5%, sấy ở nhiệt độ 55, sản phẩm được bao gói hút chân không và bảo quản trong 21 ngày ở nhiệt độ lạnh. Kết quả của nghiên cứu này đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm từ rong nho, đồng thời làm tăng giá trị sử dụng nguồn nông sản có giá trị dinh dưỡng cao trong nước và kích thích sản xuất.

Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ - Tập 60, Số 6B (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ