SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiện trạng sản xuất lúa vụ thu đông tại tỉnh An Giang

[07/01/2025 15:20]

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của Việt Nam, trong đó tỉnh An Giang đóng vai trò quan trọng vào sản lượng lúa gạo lẫn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chiến lược sản xuất thâm canh hiện nay của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa mang lại hiệu quả cao trong canh tác lúa. Nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng canh tác lúa vụ Thu Đông của tỉnh An Giang.

Nông dân An Giang thu hoạch lúa (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Lúa là cây trồng quan trọng nhất tại Việt Nam và đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kinh nghiệm sản xuất lúa đã hình thành, tích lũy và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của dân tộc. Những tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong nước và thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất lúa đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành trồng lúa nước ta vươn lên bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới (Nguyen, 2008). Không thể phủ nhận lúa gạo vẫn là sản phẩm chiến lược của Việt Nam, vì thế người nông dân cùng các ban ngành luôn từng ngày nỗ lực với nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Việc độc canh cây lúa, tăng vụ, lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khiến cho đất bị bạc màu, mất cân bằng sinh thái, mất chất dinh dưỡng, do đó giá trị cây lúa bị giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp đang ngày càng gia tăng, tình hình diễn biến của thời tiết cũng diễn ra ngày càng phức tạp. Làm cho chi phí sản xuất gia tăng đáng kể, lợi nhuận của người dân ngày càng giảm. Trong nhiều chiến lược sản xuất hiện nay của các tỉnh ĐBSCL, việc thâm canh tăng vụ không mang lại nhiều hiệu quả đối với canh tác lúa. Chính vì vậy, lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã có chủ trương giảm từ ba vụ lúa/năm xuống còn hai vụ lúa/năm. Do đó, việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng sản xuất lúa vụ Thu Đông 2020 tại tỉnh An Giang là một trong những phát hiện về những ưu và hạn chế trong sản xuất lúa nhằm đề xuất giải pháp canh tác phù hợp để nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa của tỉnh An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Thông tin được thu thập từ 68 hộ dân canh tác lúa tại 09 huyện bằng phương pháp chọn mẫu theo ngẫu nhiên thuận tiện. Thông tin được thu thập thông qua bảng câu hỏi soạn sẵn trên các nền tảng email, Facbook và Zalo. Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng để đánh giá hiện trạng sản xuất lúa và phân tích phương sai (ANOVA) được sử dụng để so sánh các chỉ tiêu đầu vào và đầu ra của sản xuất lúa.

Diện tích sản xuất lúa trung bình đạt 2,5 ha/hộ. Sự phân bố diện tích canh tác lúa chưa đồng đều giữa các hộ và trung bình diện tích sản xuất giữa các huyện dao động từ 1,8 đến 3,43 ha/hộ. Các giống được sử dụng chủ yếu tại An Giang là IR50404, OM18, OM9582, Đài Thơm 8, OM5451, Nếp, OM38, Lúa Nhật, OM6976. Giống lúa được trồng nhiều nhất, có mặt khắp các huyện trong tỉnh An Giang là IR50404, và trồng nhiều nhất ở huyện Tịnh Biên. Mật độ gieo sạ trung bình là 179,7 kg/ha. Trung bình bón phân dao động từ 3,4 đến 4,2 lần/vụ, trong khi đó trung bình mỗi vụ nông dân phun thuốc từ 3,44 đến 8,33 lần. Nông dân sử dụng liều lượng phân bón 125,5N-80,3P2O5-56,1K2O (kg/ha).

Kết quả nghiên cứu cho thấy nông dân ở các huyện khảo sát của tỉnh An Giang gieo sạ với mật độ cao, sử dụng nhiều phân bón hóa học nên tổng chi phí đầu tư cao. Hiệu quả đồng vốn cho sản xuất vụ Thu Đông đạt khoảng 1,3. Tuy nhiên, xét về yếu tố năng suất, kết quả nghiên cứu này cho thấy nông dân vùng khảo sát sản xuất lúa vụ Thu Đông đạt được năng suất cao, trung bình đạt 7,7 tấn/ha. Nông dân tỉnh An Giang sản xuất lúa vụ Thu Đông 2020 đạt năng suất 7,73 tấn/ha, trong đó cần đầu tư khoảng 23,3 triệu đồng, lợi nhuận trung bình thu được khoảng 27,9 triệu đồng, hiệu quả sử dụng đồng vốn đạt 1,29. Kết quả khảo sát thực trạng sản xuất lúa ở tỉnh An Giang cho thấy nông dân thường có khuynh hướng bón nhiều phân đạm, ít phân lân và kali và lạm dụng phân bón và thuốc BVTV. Nông dân gieo sạ dày, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật vượt mức khuyến cáo. Ngoài ra, diện tích canh tác còn nhỏ lẻ và các giống lúa được sử dụng thiếu đa dạng, phổ biến là các giống lúa chất lượng thấp. Nhìn chung, hiệu quả kinh tế còn thấp, hiệu quả đồng vốn chưa có lợi cho người nông dân canh tác lúa.

Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ - Tập 60, Số 6B (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ