SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Ảnh hưởng của độ kiềm lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú (Penaeus monodon) giai đoạn ương giống bằng công nghệ biofloc

[07/01/2025 15:21]

Nghiên cứu nhằm xác định độ kiềm thích hợp lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú (Penaeus monodon) giống ương theo công nghệ biofloc, thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức độ kiềm: 80, 120, 160 và 200 mgCaCO3/L.

Thủy sản là một trong những thế mạnh của Việt Nam, những năm gần đây đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP, 2023), xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt 9 tỷ USD, giảm 18 % so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm mang về gần 3,9 tỷ USD, tăng 4%. Điều đó cho thấy ngành nuôi tôm nước lợ chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế ngành thủy sản Việt Nam. Nổi bật là tôm sú (Penaeus monodon) loài có kích thước lớn, tăng trọng nhanh, thịt thơm ngon. Theo báo cáo của Department of Fisheries (2024) thì diện tích nuôi tôm sú năm 2023 là 622.000 ha, sản lượng đạt được 274.000 tấn, và đã trở thành một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Với chặng đường dài phát triển, nghề nuôi tôm sú đã có sự cải tiến về mô hình cũng như kỹ thuật nuôi. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, kỹ thuật nuôi tôm sú hai giai đoạn mang lại hiệu quả cao giúp tăng trưởng đáng kể về sản lượng, đồng thời hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, kỹ thuật nuôi tôm hai giai đoạn vẫn còn một số vấn đề bất cập, tiêu biểu là ở giai đoạn ương vèo, mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu ứng dụng công nghệ biofloc vào ương giống tôm sú mang lại kết quả rất khả quan như ương tôm sú giống ở mật độ 2.000 con/m3 là tốt nhất (Tran & Le, 2016) hay ương giống tôm sú đạt tỷ lệ sống (95,5±2,1%) và năng suất (573±13 con/m3) cao ở độ mặn từ 10‰ – 20‰ (Chau et al., 2020). Theo Tảo (2015), ương ấu trùng tôm sú độ kiềm thích hợp từ 100 – 120 mgCaCO3/L. Trong ương giống, tôm sú có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm. Độ kiềm ảnh hưởng đến hệ đệm trong môi trường nước ương tôm, giúp ổn định pH nước. Khi độ kiềm trong môi trường nước thay đổi sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố thủy lý, thủy hóa và ảnh hưởng đến tôm. Do đó, việc tìm ra độ kiềm thích hợp nhất để ương giống tôm sú là rất cần thiết, góp phần vào qui trình ương giống tôm sú theo công nghệ biofloc, tạo ra con giống lớn chất lượng cao phục vụ cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững.

Tôm sú giống được sản xuất tại trại thực nghiệm nước lợ Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, được thuần dưỡng cho phù hợp với độ kiềm của từng nghiệm thức. Sau đó, những con tôm có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh được chọn để bố trí thí nghiệm. Dùng nguồn carbon từ mật đường có hàm lượng C là 46,7% để tạo biofloc. Mật đường hoà với nước 15‰ rồi ủ 24 giờ với vi sinh SUPER EM.S với lượng 1 g/m3 (Vi sinh có thành phần: Bacillus subtilis (2×105 CFU/kg), Lactobacillus acidophilus (2×105 CFU/kg), Saccharomyces cerevisiae (2×105 CFU/kg), Nitrosomonas sp. (2×105 CFU/kg), Nitrobacter sp. (2×104 CFU/kg), chất mang vừa đủ 1 kg), sau đó bổ sung trực tiếp vào bể ương. Tuỳ vào lượng thức ăn nhân tạo sử dụng cho tôm mà lượng rỉ đường được thêm vào để đạt tỷ lệ C:N = 10:1 (Chau et al., 2019). Rỉ đường được bổ sung 1 ngày/lần vào lúc 14:30 với hàm lượng cần bổ sung vào bể để tạo biofloc được tính dựa trên công thức của Avnimelech (2015).

Tôm giống có khối lượng 0,01 g/con được bố trí vào bể composite có thể tích 250 L, độ mặn 15‰, mật độ ương 2.000 con/m3 và rỉ đường được sử dụng để tạo biofloc với tỷ lệ C:N = 10:1. Sau 28 ngày ương, các yếu tố môi trường đều nằm trong phạm vi thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Thể tích biofloc dao động từ 2,89 đến 3,12 mL/L, cao nhất ở nghiệm thức 160 mgCaCO3/L (3,12±0,09 mL/L) và khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) giữa các nghiệm thức. Khi kết thúc thí nghiệm, tôm ở nghiệm thức 120 mgCaCO3/L có tăng trưởng (4,03±0,01 cm/con, 0,44±0,017 g/con), tỷ lệ sống (90,2±2,12%) và sinh khối (1.803±43 con/m3) cao nhất, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với các nghiệm thức còn lại. Như vậy, ương giống tôm sú theo công nghệ biofloc ở độ kiềm 120 mgCaCO3/L là tốt nhất so với các nghiệm thức còn lại.

Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ - Tập 60, Số 6B (2024)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ