SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Hội chứng tiêu chảy ở lợn con theo mẹ và một số yếu tố nguy cơ liên quan tại trang trại công nghiệp

[07/01/2025 15:47]

Hội chứng tiêu chảy (HCTC) ở lợn con theo mẹ là một trong những tình trạng thường gặp nhất trong chăn nuôi lợn hiện đại, gây chết với tỉ lệ cao, làm giảm tốc độ tăng trưởng và tăng chi phí điều trị. Nghiên cứu này được thực hiện bới các tác giả tại Khoa Chăn nuôi Thú y, Đại học Tây Nguyên để tìm hiểu tình hình hội chứng tiêu chảy, xác định yếu tố liên quan và ảnh hưởng của hội chứng này đến khối lượng cai sữa ở lợn con theo mẹ.

Tiêu chảy ở heo con theo mẹ là một trong những hội chứng thường gặp nhất trong chăn nuôi heo hiện đại, gây thiệt hại lớn như gây chết cho heo con với tỉ lệ cao, làm giảm tốc độ tăng trưởng và tăng chi phí điều tri (Sjolund & cs., 2014). Các yếu tố liên quan đến hội chứng tiêu chảy (HCTC) ở heo con theo mẹ bao gồm các yếu tố không lây nhiễm và các yếu tố truyền nhiễm. Trong số các yếu tố không lây nhiễm, stress, chế độ ăn uống và dinh dưỡng kém có thể góp phần làm cho heo dễ mắc bệnh hơn (Vidal & cs., 2019). Hơn nữa, sự bùng phát HCTC thường liên quan đến sự hiện diện của các tác nhân truyền nhiễm chẳng hạn như virus, vi khuẩn hoặc cầu trùng, mặc dù sự có mặt riêng của các mầm bệnh này ở lợn con không quyết đinh sự bùng phát của tiêu chảy (Ruiz & cs., 2016). Tất cả những mầm bệnh trên có thể đóng vai trò là tác nhân chính và duy nhất gây ra tiêu chảy ở lợn con mặc dù có rất nhiều các trường hợp nhiễm ghép đã được báo cáo (Kongsted & cs., 2018).

Ở Việt Nam, HCTC trên lợn con đã được báo cáo ở nhiều tỉnh thành. Khi điều tra tình hình mắc HCTC ở lợn con dưới 2 tháng tuổi tại khu vực thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh năm 2014-2015 (Phạm Hà Giang & cs., 2017) đã báo cáo tỉ lệ lợn con mắc HCTC là 17,37%. Nguyễn Văn Thanh (2007) cho biết có 1.134 trong 2.474 (45,84%) lợn con theo mẹ mắc HCTC tại các trang trại thuộc các tỉnh thành gồm Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình và Bắc Ninh. Tỉ lệ mắc HCTC trung bình ở lợn con theo mẹ tại 3 xã Hương Vân, Hương Chữ và Hương Phong, thành phố Huế" là 59%; nhóm tuổi 1-7 ngày, 8-14 và 15-21 ngày tuổi có tỉ lệ mắc HCTC lần lượt là 56,6%; 61,9% và 59,6% (Nguyễn Thị Quỳnh Anh & cs., 2017). Tại tỉnh Vĩnh Long, nơi chăn nuôi lợn chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ, tỉ lệ lợn con mắc HCTC là 29,83% và tại Đồng Tháp nơi chăn nuôi theo quy mô trang trại lớn tỉ lệ lợn con mắc hội chứng này là 23,03% (Lý Thị Liên Khai & cs., 2015). Như vậy tình hình mắc HCTC ở lợn con có sự khác biệt giữa các khu vực và trang trại trên toàn quốc.

HCTC ở lợn con theo mẹ được xác định dựa vào triệu chứng lâm sàng. Lợn con theo mẹ được xác định mắc HCTC dựa vào lượng nước và màu sắc phân khi kiểm tra vào lúc 7h và 16h. Cụ thể khi phân lợn con lỏng, hoặc nhiều nước và có màu sắc thay đổi vàng vàng nhạt hoặc màu kem thì được xác định là mắc HCTC (Zimmerman & cs., 2012). Lợn con được đánh dấu để theo dõi ngày tuổi, số con tiêu chảy trong ngày và tổng số ngày lợn con mắc HCTC trong các đàn khảo sát.

Thống kê mô tả được sử dụng để tính các tỉ lệ phần trăm, khoảng tin cậy 95%. Phương pháp Chi-square test hoặc Fisher's exact test được sử dụng để kiểm định sự khác biệt giữa các tỉ lệ mắc và tỉ lệ chết. Yếu tố liên quan đến HCTC ở lợn con theo mẹ, ảnh hưởng của HCTC đến khối lượng cai sữa của lợn con được xác định bằng mô hình hoi quy logistic đa biến ảnh hưởng hỗn hợp. Ánh hưởng của các yếu tố ngẫu nhiên ở các cụm (đàn) và các cá thể lợn con được xác định bằng mô hình hoi quy logistic ảnh hưởng hỗn hợp (mixed effect model) và thể hiện bằng phương sai và độ lệch chuẩn. Số liệu được xử lý trên phần mềm Excel và R phiên bản 4.0.2.

Các tác giả đã tiến hành một nghiên cứu tiến cứu tại một trang trại nuôi lợn theo quy mô công nghiệp. Kết quả cho thấy tỉ lệ mắc hội chứng tiêu chảy tích luỹ trong 21 ngày ở lợn con theo mẹ là 36,70% (KTC 95%; 32,91-40,62) và tỉ lệ chết do hội chứng tiêu chảy là 0% (KTC 95%; 0-0,59). Lợn con xuất hiện tiêu chảy từ 1 ngày tuổi (11,86%), đạt đỉnh ở 5 ngày tuổi (22,6%), sau đó giảm dần và giữ ở mức thấp từ ngày 11 đến khi cai sữa. Đã phát hiện được 3 yếu tố liên quan đến hội chứng tiêu chảy ở lợn con theo mẹ bao gồm khối lượng sơ sinh của lợn con, lợn nái bị tiêu chảy và lợn nái bị viêm tử cung. Hai yếu tố là thời gian tiêu chảy và khối lượng sơ sinh có liên quan đến khối lượng cai sữa của lợn con theo mẹ.

Nghiên cứu đã chỉ rằng ra những heo con có khối lượng sơ sinh thấp sẽ có nguy cơ mắc HCTC cao hơn những lợn con có khối lượng sơ sinh lớn. Heo con có nguy cơ mắc HCTC cao hơn nếu heo mẹ bị tiêu chảy hoặc viêm tử cung. Tác hại của HCTC đối với sự tăng trọng của heo con cũng được làm sáng tỏ thêm. Khi hạn chế được thời gian tiêu chảy 1 ngày thì sẽ giúp gia tăng 129g khối lượng cai sữa của heo con.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - số 9 năm 2023
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ