SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiện trạng sử dụng và hoạt tính sinh học của thảo dược dùng nuôi heo ở miền Bắc Việt Nam

[07/01/2025 15:58]

Nghiên cứu được thực hiện từ 6/2021 đến 5/2022 bởi các tác giả tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm đánh giá hiện trạng và hoạt tính sinh học một số thảo dược dùng trong chăn nuôi heo tại miền Bắc Việt Nam.

Chăn nuôi lợn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và cung cấp thực phẩm cho con ngưòi. Sự phát triển nhanh chóng của ngành chăn nuôi heo trong vài thập niên gần đây đã kéo theo dịch bệnh ngày càng gia tăng, dẫn đến việc sử dụng kháng sinh ngày càng nhiều (Nguyễn Công Oánh & cs., 2022). Lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gây ra nhiều tác hại lớn cho chính nền sản xuất nông nghiệp và sức khỏe con người (Oanh & cs., 2023). Việt Nam được coi là một ở ba nước trong khu vực Đông Nam Á có tỉ lệ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cao nhất giai đoạn 2010-2020 (Nguyên Thiên, 2021). Theo lộ trình đến năm 2025, Việt Nam sẽ cấm hoàn toàn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, một số giải pháp thay thế kháng sinh trong chăn nuôi đã và đang được nghiên cứu và áp dụng (Bùi Thị Thơm & cs., 2017; 2021; Nguyễn Tài Năng & Nguyễn Thị Quyên, 2015; Oanh & cs., 2021).

Tổ chức Y tế thế giới cho biết các thực vật bản địa sẵn có là nguồn kháng sinh thực vật từ tự nhiên có tác dụng kháng khuẩn, kích thích sinh trưởng, cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng thịt và tạo ra sản phẩm chăn nuôi sạch và an toàn (Ahmed & cs., 2016; Cos & cs., 2006; Papatriros & cs., 2011; Yi & cs., 2018). Việt Nam có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loại thảo dược tự nhiên phát triển và có thể khai thác sử dụng làm thức ăn bổ sung trong chăn nuôi (Đỗ Tất Lợi, 2013). Theo Cù Thị Thiên & Đàm Thị Dung (2021) bổ sung bột nghệ vào khẩu phần ăn của heo con sau cai sữa cải thiện được năng suất sinh trưởng và giảm tỉ lệ tiêu chảy so vói lô đối chứng, nâng cao được tốc độ sinh trưỏng. Bổ sung chè xanh hay hỗn hợp thảo dược (đơn kim, ké hoa đào, quế chi) vào khẩu phần ăn của heo thịt làm giảm độ dày mS lưng, giảm hàm lượng cholesterol và nâng cao chất lượng thịt lợn (Oanh & cs., 2022; 2023).

Một trăm hai mươi hộ nuôi heo có sử dụng thảo dược tại Hải Dương, Bắc Giang và Hòa Bình được phỏng vấn bằng bộ câu hỏi có sẵn. Mười sáu loại thảo dược được thu thập để xác định hoạt tính sinh học. Kết quả có ít nhất 39 loại thảo dược sử dụng cho nuôi heo. Tỉ lệ hộ sử dụng thảo dược nhiều nhất gồm khoai lang (86,67%), đơn kim (55,83%), ké hoa đào (48,33%), hoàn ngọc (42,50%) và sài đất (41,67%). Số hộ sử dụng thảo dược vào nhiều mục đích như nâng cao sức khỏe (69,23%), kháng viêm (41,03%), cung cấp xơ (38,46%), điều trị tiêu chảy (28,21%), cải thiện chất lượng thịt (25,64%). Năm loại thảo dược (chè xanh, hồng xiêm, xoài, diệp hạ châu và ổi) chứa hàm lượng polyphenol cao từ 15,43 đến 120,8mg GAE/g và 5 loại (chè xanh, diệp hạ châu, ổi, xoài và quế chi) có khả năng chống oxy hóa DPPH rất mạnh với nồng độ ức chế 50% thấp (IC50 < 11,83 pg/ml).

Kết quả nghiên cứu là cơ sở để chọn một số loại thảo dược tiềm năng với hàm lượng polyphenol cao và hoạt tính kháng oxy hóa mạnh để tiếp tục thử nghiệm trên động vật sống theo mục đích khác nhau.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - số 9 năm 2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ