SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kinh nghiệm của người chăm sóc gia đình Việt Nam trong việc chăm sóc người cao tuổi tại nhà

[14/01/2025 15:39]

Sự già hóa của dân số Việt Nam đang diễn ra ngày càng nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về nhận thức và kinh nghiệm của người chăm sóc gia đình liên quan đến việc chăm sóc người cao tuổi tại nhà. Vì vậy, các tác giả Lê Quốc Dũng, Lê Thị Minh Tâm, Trần Thị Thanh Trúc thuộc Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp đã thực hiện với mục tiêu nghiên cứu nhằm khám phá kinh nghiệm của người chăm sóc gia đình trong việc chăm sóc người cao tuổi của họ tại nhà.

Sự già hóa dân số Việt Nam đang diễn ra ngày càng nhanh trong những năm gần đây. Theo tổng cục thống kế năm 2021, số người từ 60 tuổi tăng từ 7,45 triệu người lên xấp xỉ 11,41 triệu người, tăng tương ứng từ 8,68% lên 11,86% tổng dân số. Khi tuổi thọ tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi cũng tăng lên, nhưng người chăm sóc tiềm năng lại càng ít hơn. Có một số lý do của hiện tượng này như thay đổi về giá trị nhân khẩu học và xã hội, việc trì hoãn sinh con và những người phụ nữ ngày càng tham gia vào lực lượng lao động. Do đó, những người chăm sóc gia đình tiềm năng ngày càng ít đi.

Những người chăm sóc gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người cao tuổi, tạo môi trường thuận lợi giúp cho người cao tuổi có thể tiếp tục sống ở nhà. Tuy nhiên, những người chăm sóc gia đình luôn phải đấu tranh để kiểm soát căng thẳng và rối loạn cảm xúc liên quan đến việc chăm sóc người cao tuổi mắc bệnh mãn tính. Tác động tiêu cực này đối với người chăm sóc có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi cũng như các thành viên khác của gia đình. Vì vậy, tìm hiểu kinh nghiệm của những người chăm sóc gia đình khi chăm sóc người cao tuổi, đồng thời quan sát cách họ tương tác lẫn nhau trong bối cảnh bệnh tật và cuộc sống hàng ngày có thể đóng góp cho vai trò chuyên môn của điều dưỡng trong việc hỗ trợ người chăm sóc gia đình.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Hai mươi người chăm sóc gia đình đã tham gia vào nghiên cứu này. Nghiên cứu sử dụng cách tiếp cận mô tả định tính, cùng với các cuộc phỏng vấn sâu, được cấu trúc hóa để thu thập thông tin về kinh nghiệm của những người chăm sóc gia đình. Tất cả các bảng phỏng vấn và ghi chú hiện trường đã được phân tích để xác định các mã dữ liệu, chủ đề phụ và chủ đề chính. 

Kết quả cho thấy: Nghiên cứu khám phá được 6 chủ đề chính: (1) vai trò của người chăm sóc gia đình trong việc chăm sóc người cao tuổi, (2) cuộc sống thay đổi khi trở thành người chăm sóc gia đình, (3) thiếu nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, (4) động lực của người chăm sóc gia đình trong việc chăm sóc người lớn tuổi, (5) cảm xúc của những người chăm sóc gia đình thường trải qua và (6) chiến lược đối phó khi chăm sóc. 

Kết quả nghiên cứu giúp nhà cung cấp dịch vụ hiểu rõ hơn về kinh nghiệm của người chăm sóc gia đình trong việc chăm sóc người cao tuổi tại nhà. Đồng thời giúp nhà giáo dục thiết kế chương trình và dịch vụ hỗ trợ người chăm sóc gia đình, đào tạo điều dưỡng và sinh viên điều dưỡng trong việc chăm sóc người cao tuổi tại nhà.

Tạp chí Y dược học Cần Thơ –Số 70/2024
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ