SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị ở bệnh nhân nhồi máu não có rung nhĩ tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ năm 2023-2024

[15/01/2025 14:41]

Rung nhĩ được xác định là một yếu tố nguy cơ quan trọng của nhồi máu não, làm tăng nguy cơ nhồi máu não lên gấp 5 lần. Nhồi máu não xảy ra trên bệnh nhân rung nhĩ thường nặng hơn, tỉ lệ biến chứng, tỉ lệ tử vong và nguy cơ tàn phế nặng đều cao hơn. Vì vậy, các tác giả Nguyễn Thị Lan Hồng - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Nguyễn Văn Khoe - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã thực hiện với 2 mục tiêu: 1). Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân nhồi máu não có rung nhĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ năm 2023-2024; 2). Đánh giá kết quả điều trị nội viện ở bệnh nhân nhồi máu não có rung nhĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ năm 2023-2024.

Nhồi máu não (NMN) là vấn đề thời sự của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, bệnh lý có tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong và tàn tật rất cao, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, tâm lý của gia đình và toàn xã hội. Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2008, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tửvong tại Việt Nam. Rung nhĩ được xác định là một yếu tốnguy cơ quan trọng của NMN, làm tăng nguy cơ NMN lên gấp 5 lần. NMN xảy ra trên bệnh nhân rung nhĩ thường nặng hơn, tỉ lệ biến chứng, tỉ lệ tử vong và nguy cơ tàn phếnặng đều cao hơn. Trên thế giới, NMN ở bệnh nhân rung nhĩ đã được chú ý nghiên cứu từ lâu. Tại Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về tai biến mạch não nói chung và NMN nói riêng. Nhồi máu não có rung nhĩ để lại di chứng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.

Các tác giả đã thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 35 bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não có rung nhĩ điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ năm 2023 – 2024, được phân tích số liệu bằng phần mềm Statistical Package for the Social Sciences (SPSS) 22.0.

Kết quả: Phần lớn bệnh nhân ≥ 70 tuổi và nữ chiếm 57,10%. Về đặc điểm lâm sàng, các triệu chứng chính gồm liệt nửa người (74,3%) và rối loạn ngôn ngữ (68,6%). Về đặc điểm cận lâm sàng, tổn thương động mạch não giữa chiếm 91,42%. Kết quả điều trị theo thang điểm mRS tại thời điểm xuất viện, nhóm hồi phục kém cao gấp khoảng hai lần so với nhóm hồi phục tốt, lần lượt là 65,7% và 34,3%. 

Các bệnh nhân nữ trên 70 tuổi có tiền sử tăng huyết áp là nhóm đối tượng nguy cơ cao của bệnh lý NMN có rung nhĩ. Tương tự NMN, tổn thương động mạch não giữa thường gặp trên bệnh nhân NMN có rung nhĩ với triệu chứng điển hình là rối loạn vận động và rối loạn ngôn ngữ. Kết quả điều trị theo thang điểm mRS tại thời điểm xuất viện cho thấy bệnh nhân nhồi máu não kèm rung nhĩ có tỷ lệ hồi phục rất kém sau điều trị. Thang điểm NIHSS có thểđược ứng dụng tiên lượng cho bệnh nhân NMN có rung nhĩ.

TẠP CHÍ Y DƯỢC HỌC CẦN THƠ –SỐ 70/2024
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ