Thực trạng chất lượng giấc ngủ và một số yếu tố liên quan đến chất lượng giấc ngủ kém của sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ Năm 2022
Rối loạn giấc ngủ ở sinh viên y khoa dẫn đến những ảnh hưởng xấu về kết quả học tập, sức khỏe tổng thể, thậm chí là phạm phải sai sót y tế và sự an toàn của bệnh nhân. Vì vậy, chất lượng giấc ngủ đối với sinh viên y khoa là điều cần thiết vì nó có tác động rõ ràng đến sức khỏe tâm thần, mức độ căng thẳng và chăm sóc bệnh nhân. Vì thế, các tác giả Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Võ Trang Hiền Muội, Trần Khả Vi, Nguyễn Thị Hạnh Vy, Nguyễn Thuý Vy, Lê Trung Hiếu, Nguyễn Tấn Đạt thuộc Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã thực hiện với mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá thực trạng chất lượng giấc ngủ và tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2022.

Ngủ được định nghĩa là trạng thái nghỉ ngơi tự nhiên, trong đó đối tượng bất tỉnh nhưng có thể được đánh thức với sự trợ giúp của các kích thích bên ngoài thích hợp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ dẫn đến suy giảm ý thức, buồn ngủ vào ban ngày, thiếu chú ý, các mối quan hệ bị tổn hại và mệt mỏi. Những tác động xấu này có thể khiến sinh viên phạm phải sai sót y tế và ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân. Rối loạn giấc ngủ ở sinh viên y khoa dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập và sức khỏe tổng thể của sinh viên. Vì vậy, chất lượng giấc ngủ của sinh viên y khoa là điều cần thiết vì nó có tác động rõ ràng đến sức khỏe tâm thần, mức độ căng thẳng và chăm sóc bệnh nhân.
Các tác giả đã thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích trên 1200 sinh viên đang học tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2022. Đánh giá chất lượng giấc ngủ thông qua thang đo PSQI (tốt: ≤ 5 điểm, kém: > 5 điểm). Một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của sinh viên như học tập, đặc điểm gia đình, hành vi nguy cơ sức khỏe, rối loạn sức khỏe tâm thần, yếu tố bên ngoài.
Kết quả cho thấy: Có 68,6% sinh viên có điểm PSQI>5. Chất lượng giấc ngủ liên quan đến giới tính, ngành học, 3 ca học, vệ sinh giấc ngủ, chất lượng chỗ ngủ, ánh sáng, tiếng ồn (p<0,05). Qua đo, cho thấy chất lượng giấc ngủ của sinh viên còn chưa tốt, do vậy cần nâng cao nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của giấc ngủ.
TẠP CHÍ Y DƯỢC HỌC CẦN THƠ –SỐ 70/2024