Sinh cảnh chuyển tiếp: Môi trường sống cần được chú trọng bảo tồn
Rừng mưa nhiệt đới là một trong những môi trường sống có nhiều loài động thực vật nhất và do đó thường được ưu tiên bảo tồn trên phạm vi toàn cầu.
Song, trong một nghiên cứu mới đây tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, các nhà khoa học Việt Nam và Đức đã chỉ ra rằng, rừng bán khô - môi trường sống chuyển tiếp giữa rừng lá rộng thường xanh khô và rừng thường xanh ẩm - là nơi có sự đa dạng cao nhất về các loài động vật có vú và chim sống trên mặt đất ở vườn quốc gia này.

Cảnh quan của Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Việt Nam. Ảnh: Andrew Tilker/Leibniz-IZW
Những tưởng chỉ còn tồn tại trong trí tưởng tượng, song năm 2018, những con cheo cheo lưng bạc (Tragulus versicolor) - một trong những loài hiếm nhất trên thế giới và từng được cho là đã tuyệt chủng - đã một lần nữa được các nhà khoa học phát hiện tại Vườn Quốc gia Núi Chúa (nằm ở tỉnh Ninh Thuận). Khám phá này đã thôi thúc các nhà nghiên cứu tiến hành năm cuộc khảo sát bẫy ảnh từ năm 2018 đến năm 2022 để có được dữ liệu cơ bản về sự xuất hiện và phân bố của các loài tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, nơi có nhiều hệ sinh thái khác nhau.
Những kết quả đem lại đã giúp nhóm nghiên cứu khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn các vùng chuyển tiếp môi trường sống - khu vực nằm giữa hai hoặc nhiều hệ sinh thái khác nhau và là nơi các đặc điểm của những hệ sinh thái này giao thoa và hòa trộn với nhau.
Vai trò của rừng bán khô hạn
Cho đến nay, ở các điểm nóng về đa dạng sinh học như vùng sinh thái Trường Sơn của Việt Nam và Lào, các nỗ lực bảo tồn thường chủ yếu tập trung vào các khu rừng lá rộng thường xanh ẩm (rừng mưa). Theo một nghiên cứu năm 20211, có hơn 25% diện tích rừng mưa ở khu vực Trường Sơn đã được đưa vào các khu bảo tồn tại Việt Nam, trong khi đó, chỉ có chưa đến 15% diện tích của các môi trường sống khác không phải rừng mưa được bảo vệ.
Trong đó, rừng khô ven biển ở miền Nam đặc biệt bị xem nhẹ trong công tác bảo tồn, với chỉ một vài khu vực nhỏ được bảo vệ, dù cho môi trường sống này đã chịu mức độ mất mát và suy thoái nghiêm trọng trong những thập kỷ gần đây. Do sự phát triển của cơ sở hạ tầng và việc mở rộng diện tích nông nghiệp, rừng khô ven biển hiện chỉ còn lại một số khu vực nhỏ rải rác. Tổng diện tích của các mảnh rừng còn sót lại này vào khoảng 85.000 ha, tương đương chỉ khoảng 12% so với diện tích ban đầu ước tính khoảng 700.000 ha trong lịch sử.
Trong đó, Vườn Quốc gia Núi Chúa, với diện tích rừng khoảng 20.000 ha, là vườn quốc gia duy nhất thuộc hệ sinh thái rừng khô ven biển của cả nước. Không chỉ hấp dẫn khách tham quan với vẻ đẹp hoang sơ, vườn quốc gia này còn đặc biệt ở sự đa dạng về môi trường sống, với rừng khô ở vùng thấp, rừng bán khô ở khu vực chuyển tiếp và rừng thường xanh ẩm (rừng mưa) ở vùng cao.
Để tìm hiểu về mô hình đa dạng sinh học tại địa điểm thú vị này, các nhà nghiên cứu Việt Nam và Đức đã thiết lập tổng cộng 145 trạm bẫy ảnh trên khắp vườn quốc gia và sử dụng mô hình Royle-Nichols để phân tích dữ liệu bẫy ảnh nhằm khảo sát các loài động vật có vú và chim sống trên mặt đất. Bên cạnh đó, họ cũng sử dụng hình ảnh vệ tinh để mô tả các môi trường sống theo độ dốc và các chỉ số đa dạng dựa trên mức độ cứ trú để mô tả các khía cạnh khác nhau về sự đa dạng của động vật.
Kết quả mới đây được nhóm nghiên cứu công bố trong bài báo “Ecotones Shape Ground-Dwelling Mammal and Bird Diversity Along a Habitat Gradient in the Southern Coastal Dry Forests of Vietnam” trên tạp chí Biotropica đã ghi nhận ít nhất 23 loài động vật có vú và chim sống trên mặt đất, bao gồm 867 lần phát hiện ra loài cheo cheo lưng bạc.
Nhìn chung, tổng số loài được ghi nhận tại khu vực rừng khô ven biển ở Núi Chúa thấp hơn so với rừng thường xanh ẩm lá rộng ở các khu vực khác trong dãy Trường Sơn - tương đồng với các nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu, cho thấy rằng môi trường sống của rừng mưa nhiệt đới thường có mức độ đa dạng sinh học cao hơn so với các loại môi trường sống khác. Song, ở quy mô địa phương, nghiên cứu tại Vườn Quốc gia Núi Chúa đã cho kết quả trái ngược với nhiều nghiên cứu trước đây được tiến hành trên khắp vùng sinh thái Trường Sơn.
“Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng sự đa dạng sinh học trong rừng thường xanh ẩm là thấp nhất trong ba môi trường sống chính ở Vườn Quốc gia Núi Chúa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này có thể là bởi diện tích rừng mưa ở Núi Chúa nhỏ (khoảng 65 km2) và bị giới hạn ở độ cao lớn hơn”, nhóm nhiên cứu giải thích trong bài báo.
Điều đáng chú ý là, các khu vực chuyển tiếp bán khô - nơi giao nhau giữa rừng khô ven biển và rừng mưa nhiệt đới trên cao - có sự đa dạng các loài động vật có vú và chim sống trên mặt đất cao nhất. Kết quả này khác với các mô hình đa dạng sinh học toàn cầu, khi các mô hình này thường chỉ ra xu hướng đa dạng sinh học cao nhất ở các khu rừng mưa. Phát hiện mới của các nhà khoa học cũng tương đồng với kết quả của một nghiên cứu về vai trò của vùng sinh thái chuyển tiếp đối với bọ cánh cứng ăn lá ở Vườn Quốc gia Núi Chúa. Nghiên cứu mới này cũng cho thấy ít nhất ba loài - cheo cheo lưng bạc, gà lôi hồng tía (Lophura diardi), và gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini) - có mật độ cư trú được dự đoán là cao nhất tại vùng chuyển tiếp sinh thái.
“Những phát hiện của chúng tôi về cảnh quan rừng khô ven biển phía nam của dãy Trường Sơn đã cho thấy tầm quan trọng của việc phải xem xét cả các mô hình đa dạng sinh học quy mô nhỏ để cung cấp thông tin bảo tồn ở cấp độ địa phương”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Những sinh cảnh bị bỏ qua
Những hiểu biết chi tiết về sự xuất hiện và phân bố của động vật hoang dã có thể giúp lập kế hoạch bảo tồn và đưa ra các ưu tiên bảo tồn từ nguồn tài nguyên hạn chế. “Kết quả của chúng tôi cho thấy chúng ta nên đặc biệt chú ý đến việc bảo tồn các khu vực rừng bán khô hạn tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, cụ thể là vì môi trường sống này có sự đa dạng sinh học cao nhất và có mật độ cheo cheo lưng bạc cao nhất - loài biểu tượng của vườn quốc gia này”, ông Trần Văn Tiếp - Giám đốc Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết. “Và vì những sinh cảnh chuyển tiếp quan trọng này nằm trong vùng đệm nhưng lại nằm ngoài vườn quốc gia, chúng tôi cho rằng chúng ta nên cân nhắc đưa các khu vực này vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Núi Chúa”.
Nhóm nghiên cứu phân tích, các khu rừng này đang phải chịu áp lực từ việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng và du lịch, dẫn đến tình trạng mất, suy thoái và phân mảnh môi trường sống. Và giống như tất cả các khu rừng khác ở Việt Nam, rừng khô ven biển cũng đang phải đối mặt với nạn săn bắt trái phép ở mức độ cao. “Chúng tôi khuyến nghị rằng môi trường sống này cần được bảo vệ ở mức độ cao nhất và bất kỳ dự án phát triển du lịch nào cũng cần phải sử dụng các phương pháp tiếp cận bền vững để giảm thiểu tối đa sự phá hủy và xáo trộn môi trường sống”, nhóm nghiên cứu viết trong bài báo. Và không chỉ Vườn Quốc gia Núi Chúa, các nhà khoa học còn khuyến nghị các nhà bảo tồn cần xác định các khu vực rừng bán khô khác ở phạm rộng lớn hơn để tăng cường việc bảo vệ các khu rừng này. “Có thể sử dụng phân tích cảm biến từ xa, cũng như khảo sát thực địa để xác định những khu vực như vậy”, nhóm nghiên cứu đề xuất.
“Những phát hiện từ cuộc khảo sát này cũng phù hợp với sự đa dạng thực vật đặc biệt cao mà chúng tôi đã ghi nhận được trong môi trường rừng ven biển bán khô hạn”, TS. Lưu Hồng Trường - nhà thực vật học và Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết. “Kết quả này cung cấp thêm bằng chứng về tầm quan trọng của việc bảo tồn môi trường sống chuyển tiếp cũng như nhu cầu bảo vệ các vùng tương tự dọc theo các tỉnh ven biển miền Nam”.
Việc xem xét các mô hình đa dạng sinh học ở quy mô địa phương cũng có thể giúp phát hiện những môi trường sống “bị bỏ qua” nhưng lại có mức độ đa dạng sinh học cao ở Đông Nam Á và các khu vực khác. Theo nhóm nghiên cứu, dữ liệu địa phương từ Vườn Quốc gia Núi Chúa phù hợp với lý thuyết sinh thái về sự gia tăng đa dạng sinh học ở các vùng chuyển tiếp sinh thái (ecotone) và nhiều nghiên cứu thực nghiệm trước đây. “Đối với các khu vực có nhiều kiểu môi trường sống, các nhà sinh thái học nên đặc biệt chú ý đến các vùng chuyển tiếp sinh thái - những môi trường sống này có thể có mức độ đa dạng sinh học cao hơn và là nơi cư trú của các loài đặc hữu hoặc gần đặc hữu”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị trong công bố mới. “Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải có các đánh giá đa dạng sinh học ở quy mô chi tiết để hỗ trợ xây dựng các chiến lược bảo tồn, đặc biệt là đối với các môi trường sống có thể bị lãng quên trong các chiến lược bảo tồn ở quy mô lớn hơn”.Chú thích:
[1] Abrams, J. F., R. Sollmann, S. L. Mitchell, M. J. Struebig, and A. Wilting. 2021. “Occupancy-Based Diversity Profiles: Capturing Biodiversity Complexities While Accounting for Imperfect Detection.” Ecography