Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sử dụng đất nông nghiệp của huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang
Nghiên cứu do các tác giả Phan Chí Nguyện, Nguyễn Thị Thảo Ly, Lê Quang Trí, Phạm Thanh Vũ – Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sử dụng đất nông nghiệp làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp cho huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Tiền Giang là một tỉnh mang những đặc trưng riêng của một vùng đất có địa thế nằm dọc theo sông Tiền mang phù sa bồi đắp hàng năm, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, đặc biệt là sản xuất lúa và cây ăn trái mang lại nguồn thu nhập cho các hộ dân trong tỉnh (Dat et al., 2013). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thời tiết tại vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng diễn biến rất phức tạp như khô hạn kéo dài, mưa trái mùa, ngập lũ cục bộ và xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng đến quá trình khai thác và sử dụng đất nông nghiệp của người dân (Anh, 2017). Bên cạnh đó, việc thay đổi sử dụng đất của người dân hiện nay chạy theo xu hướng thay đổi về giá bán của sản phẩm nhằm tạo ra lợi nhuận cao trong thời điểm hiện tại (Ngoc et al., 2020; Linh et al., 2021), từ đó dẫn đến tình trạng thừa cung và thiếu cầu “giải cứu nông sản”, không mang tính bền vững và ổn định trong sản xuất. Thêm vào đó, sự suy thoái đất dẫn đến giảm khả năng sản xuất của đất, chất lượng đất dần suy giảm không thể duy trì sản xuất nông nghiệp, hiệu quả sản xuất không cao bởi việc khai thác tài nguyên đất đai quá mức, sử dụng quá nhiều phân thuốc bảo vệ thực vật gây ra tình trạng thoái hóa đất, làm ảnh hưởng xấu đến tài nguyên đất đai (Yen & Thuong, 2022). Cai Lậy là một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang với diện tích đất nông nghiệp khoảng 23.036 ha, các loại hình canh tác chủ yếu như lúa 3 vụ, lúa kết hợp rau màu, cây ăn trái và chuyên màu (Nguyen et al., 2017). Tuy nhiên, trong thời gian qua việc canh tác nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn và hạn chế bởi sự tác động của điều kiện biến đổi khí hậu, giá cả thị trường không ổn định. Do vậy, việc xác định các yếu tố tác động đến sản xuất nông nghiệp của huyện làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cũng như nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngành nông nghiệp của huyện là cần thiết.
Nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp là các số liệu về tình hình sản xuất nông nghiệp, hiện trạng sử dụng đất và các số liệu thống kê, kiểm kê đất đai và bản đồ hiện trạng sử dụng đất giai đoạn từ năm 2020 đến 2023 được thu thập tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cai Lậy. Số liệu sơ cấp: Tổ chức buổi tham vấn sâu ý kiến cán bộ quản lý nông nghiệp (cán bộ Phòng NN&PTNT và các cán bộ quản lý ở các xã) được thực hiện nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, khoanh vẽ hiện trạng canh tác nông nghiệp, các thông tin về thuận lợi, khó khăn và các giải pháp ứng phó trong thời gian qua tại huyện Cai Lậy. Qua đó, nghiên cứu cũng tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 60 hộ nông dân là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhằm tìm ra các yếu tố tác động trong quá trình sản xuất của người dân. Sau khi tổng hợp và xác định được các yếu tố ảnh hưởng, bảng so sánh cặp của các yếu tố cấp 1, cấp 2 ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp được tiến hành xây dựng và tham vấn ý kiến của 10 chuyên gia (nhà quản lý và người dân) để xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố thông qua việc ra quyết định nhóm (Group Decision Making-GDM) của phương pháp đánh giá đa tiêu chí.
Các số liệu thứ cấp và sơ cấp sau khi thu thập được tổng hợp bằng phần mềm Microsoft Excel và thực hiện vẽ các biểu bảng nhằm phân tích và đánh giá các số liệu, dữ liệu đã được thu thập về hiện trạng sản xuất nông nghiệp và đánh giá xu hướng biến động diện tích sử dụng đất nông nghiệp của huyện Cai Lậy. Từ đó, những nguyên nhân tác động đến sự thay đổi sử dụng đất nông nghiệp được xác định và phân tích làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp của người dân. Từ đó, làm cơ sở xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến sản xuất nông nghiệp thông qua phương pháp đánh giá đa tiêu chí (MCE).
Qua thời gian nghiên cứu, kết quả đã xác định được 03 nhóm yếu tố chính và 12 yếu tố phụ tác động trực tiếp đến quá trình sản xuất nông nghiệp của huyện Cai Lậy. Trong đó, các yếu tố về thị trường tiêu thụ, giá bán sản phẩm, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, chi phí sản xuất và thời tiết thay đổi bất thường là những yếu tố có mức độ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Qua đó, các giải pháp được đề xuất về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chế biến và bảo quản sau thu hoạch, chính sách hỗ trợ nông nghiệp cần được ưu tiên thực hiện nhằm khắc phục những yếu tố có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (2024) (nthang)