Ảnh hưởng của bổ sung chế phẩm sinh học trong ương ấu trùng cua biển (Scylla paramamosain estampador, 1949)
Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của các loại chế phẩm sinh học lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng cua biển (Scylla paramamosain). Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức: (i) Nghiệm thức đối chứng (không bổ sung chế phẩm sinh học), (ii) bổ sung L. acidophilus, (iii) bổ sung B. subtilis, (iv) bổ sung kết hợp L. acidophilus và B. subtilis, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần và bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên.

Ảnh minh họa: Internet
Cua biển (Scylla paramamosain) loài đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao vào được nuôi ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây, diện tích nuôi cua biển ngày càng mở rộng dẫn đến nguồn giống cua biển từ tự nhiên đang giảm mạnh do việc khai thác quá mức để cung cấp cho nghề nuôi (Liew & ctv., 2024). Bên cạnh đó, việc phát triển công nghệ trại giống cho mục đích sản xuất giống cua biển ở quy mô thương mại cũng được tập trung nghiên cứu. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của ấu trùng cua biển chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố như: nhiễm khuẩn từ cua mẹ và môi trường (Talpur & ctv., 2011; Wu & ctv., 2016), chất lượng nước (Li & ctv., 2012), mật độ ương ấu trùng (Tran & Le, 2018) hay đặc điểm dinh dưỡng (Pavasovic, 2004; Tran & Le, 2017).
Gần đây, chế phẩm vi sinh đã được sử dụng và mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều loài động vật thủy sản (Ringø, 2020). Một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm vi sinh giúp cải thiện tăng trưởng, cải thiện dinh dưỡng và hoạt động của enzyme vào quá trình tiêu hóa của vật chủ, giúp vật chủ tăng cường các phản ứng miễn dịch và chống lại bệnh (Tran, 2018; Poolsawat & ctv.,2020). Chế phẩm vi sinh đóng vai trò như chất kích thích tăng trưởng, chất kích thích miễn dịch trên cá, tôm và chống lại mầm bệnh ở cua, cũng như kiểm soát chất lượng nước bể nuôi (Talpur & ctv., 2013). Trong bối cảnh những năm gần đây, nếu yêu cầu thực hành canh tác hiệu quả và thân thiện với môi trường được đặt lên hàng đầu thì probiotic ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn (Dawood & ctv., 2019).
Các dòng vi khuẩn thuộc họ Bacillus, Lactobacillus, Enterococcus, Aeromonas, Alteromonas, Arthrobacter, Bifidobacteria, Clostridium, Microbacteria, Paenibacillus, Phaeobacter, Pseudoalteromonas, Pseudomonas, Rhodosporidium, Roseobacter, Streptomyces và Vibrio đã chứng minh được hiệu quả của chúng khi sử dụng cho các loài động vật thuỷ sản (Ringø & ctv., 2018; Dawood & ctv., 2019; Ringø & ctv., 2019). Trong đó, có một số họ đã được ứng dụng cho cua biển ở giai đoạn cua giống và cua trưởng thành (Tran & Li, 2022), với hình thức chủ yếu là bổ sung vào thức ăn hoặc bổ sung vào môi trường nước (Wu & ctv., 2014; Yeh & ctv., 2014; Yang & ctv., 2019). Tuy nhiên, cho đến hiện nay việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong ương ấu trùng cua biển còn khá ít (Talib & ctv., 2017; Gunarto & ctv., 2021; Gunarto & ctv., 2024). Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định được loại chế phẩm vi sinh thích hợp bổ sung vào nước ương ấu trùng cua biển đạt tỷ lệ sống đến Cua cao nhất. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả ương ấu trùng cua biển và cung cấp nguồn cua giống có chất lượng tốt cho nuôi cua thương phẩm.
Việc bổ sung chế phẩm vi sinh với liều lượng 106 CFU/mL khi ương ấu trùng cua biển cho hiệu quả cao, giúp cải thiện chất lượng nước như giảm hàm lượng TAN, nitrite và mật độ Vibriotrong nước. Sử dụng chế phẩm vi sinh giúp cải thiện kích thước Cua (3,18 - 3,22 mm). Tỷ lệ sống đạt cao nhất 10,08 % khi bổ sung chế phẩm vi sinh Lactobacillus acidophillus.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Tập 24 - Số 1 (2025)