Đánh giá đa dạng di truyền cây xoài (Mangifera indica L.) được thu thập từ khu vực núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh dựa trên chỉ thị sinh học phân tử SSR (Simple Sequence Repeats)
Cây xoài (Mangifera indica L.) là loại cây ăn quả lâu năm thuộc họ Anacardiaceae. Tại khu vực núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh, cây xoài cổ thụ được trồng xen canh với các loại cây trồng khác, diện tích khoảng 530 ha. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá sự đa dạng di truyền, mối quan hệ di truyền của các mẫu giống xoài được thu thập tại khu vực núi Bà Đen thuộc tỉnh Tây Ninh dựa trên chỉ thị hình sinh học phân tử SSR (Simple Sequence Repeats), nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn nguồn gene.

Ảnh minh họa: Internet
Cây xoài (Mangifera indica) là loại cây ăn quảnhiệt đới, có đặc điểm thích nghi rộng, nên được trồng nhiều tại các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ở hơn 100 quốc gia. Tại Việt Nam, xoài là một trong những loại trái cây được trồng lâu đời và đa dạng trên nhiều vùng sinh thái với diện tích trồng 106.595 ha, sản lượng 1.224.576 tấn/năm, theo thống kê của FAO (FAO, 2023). Cây xoài được trồng ở các vùng sinh thái khác nhau từ Bắc vào Nam, nhiều nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tại khu vực núi Bà Đen của tỉnh Tây Ninh, cây xoài thực sinh cổ thụ được trồng xen canh với các loại cây trồng khác trên nền đất núi, diện tích khoảng 530 ha. Cây xoài thực sinh được trồng từ hạt có nhiều giống khác nhau, hiện tại tuổi những cây xoài này dao động từ 30 đến 70 năm. Tuy nhiên, việc nhận dạng phân biệt các giống, cũng như xác định giống chỉ dựa trên tên thường gọi của người dân. Do vậy, trong công tác phát triển nhân giống và đánh giá nguồn gene gặp nhiều vấn đề nhầm lẫn. Chính vì thế, việc xác định tính khác của các giống xoài, đánh giá sự sinh trưởng, phân tích sự đa dạng di truyền, đa dạng nguồn gene phục vụ cho công tác bảo tồn nguồn gene, phát triển giống là nhu cầu hết sức cần thiết hiện nay và trong tương lai. Sự đa dạng di truyền ở trồng nói chung và cây xoài nói riêng có thể được xác định thông qua nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm đặc điểm hình thái và nông học, phân tích isozyme, cũng như phân tích bằng chỉ thị DNA (Koornneef, 1990; Reiter & ctv., 1993; Pham & ctv., 2020).
Các chỉ thị DNA thường được sử dụng để nghiên cứu xác định mối quan hệ di truyền của các cá thể trong cùng một loài hoặc giữa các loài là cơ sở cho việc phân loại dưới loài, phát hiện loài mới và mối quan hệ tiến hóa giữa loài. Trong số các chỉ thị DNA dùng để đánh giá đa dạng di truyền, chỉ thị Simple Sequence Repeats (SSR) là một trong những công cụ hiệu quả trong đánh giá đa dạng nguồn gene (Powell & ctv., 1996). Chỉ thị này có những ưu điểm vượt trội như biểu hiện số lượng lớn sự đa hình, là marker đồng trội nên có thể phân biệt được dị hợp tử, cho độ tin cậy và chính xác cao. Vì vậy mà chỉ thị này được sử dụng rộng rãi trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau (Chiang & ctv., 2012; Pham & ctv., 2020). Mục tiêu của nghiên cứu này là bước đầu đánh giá đa dạng di truyền nguồn gene các mẫu giống xoài thực sinh cổ thụ được thu thập tại khu vực núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh phục vụ cho công tác bảo tồn nguồn gene và phát triển giống trong tương lai.
Sử dụng 9 primer SSR trong nghiên cứu sự đa hình di truyền của 30 mẫu giống xoài được thu thập từ khu vực núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh đã ghi nhận có 20/21 đoạn khuếch đại đa hình, tỉ lệ đa hình của primer 94,4%, trung bình có 2,33 đoạn/primer, có kích thước khuếch đại dao động từ 200 bp đến 330 bp. Cây phân nhóm đa hình di truyền chia 30 mẫu giống xoài thành 3 nhóm với giá trị trung bình khoảng cách di truyền là 0,29. Nhóm I là nhóm lớn nhất bao gồm 18 mẫu giống, nhóm II gồm 7 mẫu giống, và nhóm III là nhóm nhỏ nhất bao gồm 5 mẫu giống xoài. Kết quả nghiên cứu này là thông tin hữu ích, cung cấp thêm thông tin về đa dạng di truyền cây xoài khu vực núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh tại Việt Nam, giúp định hướng bảo tồn nguồn gene, phát triển và chọn tạo giống xoài triển vọng trong tương lai.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Tập 24 - Số 1 (2025)