SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Đánh giá đa dạng di truyền bộ sưu tập hoa hồng (Rosa sp.) tại Trà Vinh

[20/02/2025 16:26]

Hoa hồng là một loài hoa đẹp, được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới với nhiều mục đích khác nhau như để trang trí không gian, làm nước hoa, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh. Với kiểu dáng hoa sang trọng, đa dạng màu sắc, hương thơm dễ chịu, có thể trồng quanh năm ở nhiều điều kiện khí hậu khác nhau nên rất thuận lợi cho việc sản xuất. Các công tác như bảo tồn và phát triển nguồn gen cây hoa hồng chưa được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, nên nguồn gen hoa hồng hiện nay bị lẫn tạp, thoái hóa và không rõ nguồn gốc. Việc đánh giá mối quan hệ di truyền cho các giống hoa hồng trong bộ sưu tập sẽ cung cấp thông tin dữ liệu hữu ích trong việc bảo tồn và lai tạo giống.

Ảnh minh họa: Internet

Hoa hồng (Rosa sp.) thuộc họ Rosaceae là loại thực vật mọc theo dạng bụi hoặc leo, một loài hoa được ưa chuộng và trồng phổ biến trên thế giới. Hoa hồng là một trong những loài hoa thường được dùng để trang trí, làm thuốc và sản xuất hương thơm (Faiza, Ghualm, Muhammad, Saeed, & Nazeer, 2016). Cây hoa hồng được cho là có nguồn gốc từ giống cây tầm xuân, có mặt trên trái đất cách đây đây 3.5 - 07 triệu năm. Trải qua sự chọn lọc và biến đổi theo tự nhiên, sự lai tạo của con người, cây hoa tầm xuân đã biến đổi thành hoa hồng cổ đại. Hoa hồng hiện nay có nguồn gốc rất phức tạp, là kết quả lai tạo giữa cây tầm xuân (Rosa multiflora) với mai khôi (Rosa rugosa) và hoa hồng (Dang, Dinh, & Nguyen, 2002).

Theo Quest-Ritson và Quest-Ritson (2003), chi hoa hồng có khoảng 150 loài. Tuy nhiên số lượng loài hoa hồng biến đổi từ 100 (Ueda & Akimoto, 2001; Uggla, 2004; Wissemann, 2003) tới hơn 200 (Soper & Heimburger, 1994; Stewart, 1969). Sự khác nhau về số lượng loài chủ yếu do khó khăn trong sự định danh hoa hồng. Hoa hồng có sự khác biệt rất lớn về kiểu hình khiến cho các tác giả phân chia loài làm gia tăng số lượng, trong khi những loài khác có quan hệ gần gũi nhau được gom lại thành một loài duy nhất.  Hiện nay, hoa hồng có hơn 20,000 giống được thương mại có nguồn gốc chính yếu từ 08 loài Châu Âu và Châu Á: R. chinensis Jacq, R. damascenea Mill., R. foetida Herm., R. gallica L., R.  giganteana Coll et Crep., R.  moschataHerm., R.  multiflora Thunb.  Ex.  Murr., R. rugosa Thunb (Zlesak, 2006).  Hoa hồng được phân loại cây bụi, cây leo, bán leo và được phân chia theo thói quen sinh trưởng và ra hoa. Các nước sản xuất hoa hồng nhiều trên thế giới gồm Hà Lan, Hoa Kỳ, Colombia, Kenya, Israel, Italy và Nhật Bản (Evans, 2009).

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các giống hoa hồng, các đặc điểm hình thái định tính và định lượng rất khó nhận diện, phân biệt và tìm được nguồn gốc của chúng. Điều này gây khó khăn cho người yêu thích hoa hồng muốn sưu tầm và lưu trữ chúng, cũng như các nhà nghiên cứu muốn lai tạo giống mới. Để đảm bảo việc chọn đúng giống, có hiệu quả trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, giám sát giống hoa hồng cần có những cơ sở đánh giá chính xác về phân loại giống. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích là đánh giá sự đa dạng di truyền và phân nhóm (cây di truyền) các mẫu giống hoa hồng bằng phần mềm NTSYSpc 2.1 nhằm xác định mối quan hệ di truyền giữa các mẫu giống hoa hồng thu thập tại các địa điểm khác nhau để nhận diện loài hoa hồng, đồng thời là cơ sở dữ liệu để phục vụ việc lai tạo giống mới sau này.

Các đặc tính đặc trưng khác biệt để nhận biết sự khác nhau giữa các giống hoa hồng là: kiểu hình sinh trưởng của cây (thân thấp, thân bụi, thân leo, ...), lá chét đỉnh (kích thước, mặt trên của lá có bóng hoặc không), hình dạng hoa, màu sắc, hương thơm. Theo sơ đồ cây phả hệ của 150 cá thể mẫu giống hoa hồngtại hệ số di truyền 0.78, các mẫu giống được chia thành 06 nhóm chính với những đặc điểm hình thái khác biệt nhau giữa các giống. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp thông tin đa dạng di truyền quan trọng và là vật liệu ban đầu phục vụ cho các nghiên cứu về cây hoa hồng tiếp theo tại Trà Vinh.

Tạp chí khoa học Đại học Mở TP.HCM, Số 19/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ