Nghiên cứu một số hoạt tính sinh học của cao chiết ethanol từ lá cây Sói Nhật (Chloranthus japonicus Sieb.)
Sói Nhật (Chloranthus japonicus Sieb.,) là cây thân thảo được tìm thấy ở các tỉnh vùng núi phía bắc và một số vùng ở phía nam như Lâm Đồng, Kon Tum và Gia Lai. Theo khảo sát của chúng tôi, lá cây được người K’Ho tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà sử dụng để chữa vết lở do côn trùng đốt và bỏng.

Ảnh minh họa: Internet
Các tổn thương da mạn tính là một vấn đề phổ biến trong đời sống, ảnh hưởng đến hơn 40 triệu người trên toàn thế giới (Heras, Igartua, Santos-Vizcaino, &Hernandez, 2020). Đặc biệt, vết thương ở những người bị béo phì, tiểu đường, nhiễm HIV hoặc nghiện rượu, thuốc lá dễ có nhiều biến chứng phức tạp và khó lành, làm tăng chi phí chữa trị. Theo thống kê của Facts and Factors Research (2023), chi phí chữa trị các ca bị thương trên da tiêu tốn khoảng 9.37 tỉ USD vàonăm 2022 và dự tính sẽ tăng lên đến 14.2 tỉ USD vào năm 2030, với mức tăng trưởng kép trung bình hằng năm đạt 5.61%. Các chế phẩm chữa trị vết thương hiện nay hầu hết dựa trên các sản phẩm tổng hợp hóa học với nhiều tác dụng phụ hoặc các sản phẩm công nghệ cao như các loại gel có chứa các cytokine ở người với giá thành cao. Bên cạnh các loại thuốc hoá học, cây thuốc dân gian được xem là các chế phẩm có nguồn gốc tự nhiên, có lịch sử sử dụng hàng nghìn năm nên thường được xem là an toàn, thân thiện, ít tác dụng phụ. Nhiều cây thuốc truyền thống đã và đang được sử dụng điều trị vết thương một cách hiệu quả trong y học cổ truyền của nhiều dân tộc trên thế giới.
Sói Nhật (Chloranthus japonicusSieb.,) là cây thân thảo thuộc họ Hoa sói (Chloranthaceae). Trên thế giới, cây được tìm thấy phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc (An & ctg.,2020). Ở Việt Nam, Sói Nhật phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng núi phía bắc, ở phía nam chỉ mới gặp ở Lâm Đồng, Ngọc Linh (Kon Tum) và Mang Yang (Gia Lai) (Do, Pham, Nguyen, & Pham,2015). Theo khảo sát của chúng tôi, người K’Ho tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà sử dụng lá cây được nướng và vò để chữa vết lở do côn trùng đốt. Bên cạnh đó, trong dân gian lá tươi còn dùng để trị bỏng. Tuy nhiên, cơ sở khoa học ban đầu của việc sử dụng Sói Nhật trong điều trị vết thương chưa được nghiên cứu nhiều. Cao chiết Sói Nhật phần trên mặt đất thu hái ở Đà Lạt được phát hiện có tác dụng chống viêm cấp tính và mạn tính trên chuột (Do& ctg., 2015). Một số hợp chất kháng oxy hóa (scopoletin), kháng vi sinh vật (furanodienonevà scopoletin), kháng viêm (furanodienone và scopoletin) đã được phát hiện có trong phần lá Sói Nhật (Joshi & Mathela, 2012; Kayser & Kolodziej, 1997; Kim & ctg., 2004; Makabe, Maru, Kuwabara, Kamo, & Hirota, 2006; Mogana, Teng-Jin, & Wiart, 2013).
Tuy nhiên, nhiều tính chất quan trọng có liên quan đến tác dụng làm lành vết thương của Sói Nhật chưa được chứng minh. Do đó, trong nghiên cứu này, chúng tôi khảo sát một số hoạt tính in vitro của lá cây Sói Nhật như khả năng kháng oxy hóa, kháng vi khuẩn nhiễm trùng vết thương và khả năng kích thích tăng sinh các tế bào biểu mô da để góp phần làm rõ công dụng dân gian trong điều trị vết thương của loài cây này.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi chứng minh được cao chiết từ lá cây Sói Nhật có hàm lượng (poly)phenol và flavonoid cao (tương đương 59.93±9.66 mg GAE/gE và 457.39±7.93 mg QE/gE) và khả năng kháng oxy hoá cao (IC50 đạt 14.87±0.31 μg/ml). Kết quả cũng cho thấy cao chiết chỉ có tác dụng kích thích sự tăng sinh nguyên bào sợi chuột ở nồng độ thấp (7.8125 -31.25 μg/ml), trong khi ởnồng độ cao (>125 μg/ml) cao chiết lại cho thấy tác động gây độc trên dòng nguyên bào sợi này. Tuy nhiên, ở nồng độ thấp, cao chiết lại chưa cho thấy khả năng kháng khuẩn trên 04 loại vi khuẩn thường được tìm thấy trên vết thương là S. aureus, P. aerugionsa, E. faecalis, vàE. coli. Như vậy, các kết quả này bước đầu cho thấy cao chiết lá cây Sói nhật có khả năng hỗ trợ làm lành vết thương ở nồng độ thấp, và tác dụng này đến từ một số đặc tính của cao chiết bao gồm hàm lượng TPC và TFC cao, khả năng chống oxy hoá cao, khảnăng kích thích sự tăng sinh nguyên bào sợi hơn là khả năng kháng khuẩn của cao chiết. Trong bước tiếp theo, các nghiên cứu in vivo trên mô hình chuột cần được tiến hành để có những bằng chứng vững chắc hơn về tác dụng làm lành vết thương của loại dược liệu này.
Tạp chí khoa học Đại học Mở TP.HCM, Số 19/2024