SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Nghiên cứu hoạt tính sinh học của hoa đu đủ đực Carica papaya L. trên một số dòng tế bào ung thư phổ biến

[20/02/2025 16:29]

Cây đu đủ đực Carica papaya L. được trồng phổ biến ở Việt Nam, hoa của nó có nhiều tác dụng dược lý. Nghiên cứu này đề cập đến các hoạt tính sinh học gồm hiệu quả kháng oxy hóa và chống ung thư của cao chiết phân đoạn hoa đu đủ đực. Hoa đu đủ đực được ly trích bằng dung môi methanol với hiệu suất tách chiết là 15.76%. Hiệu suất thu nhận cao chiết phân đoạn n-hexan, chloroform, ethyl acetate và nước lần lượt là: 11.48; 7.32; 8.05; 73.15%. Hàm lượng polyphenol cao nhất trong cao phân đoạn nước là 88.15 ± 1.37 µg GAE/mg cao chiết, tương ứng với hiệu quả kháng oxy hóa tốt nhất với EC50 là 431.10 µg/mL được đo bằng phương pháp 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH). Nghiên cứu này được xem như bước đầu trong quá trình sàng lọc và cô lập các hợp chất sinh học từ hoa đu đủ đực ở tỉnh Đắk Lắk, tập trung vào các hợp chất có khả năng gây độc tế bào ung thư.

Ảnh minh họa: Internet

Cây đu đủ đực, được biết đến với tên khoa học đầy đủ là Carica papayaL., thuộc họ Caricaceae, chi Carica, có nguồn gốc chủ yếu dọc theo bờ biển Caribê của Mesoamerica và đã được trồng phổ biến ở nhiều khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới (Allan, 2002). Cây đu đủ thường là cây thân đơn mềm, thân rỗng, các mô yếu, bán mộc, thuộc cây ngắn ngày. Hoa đu đủ đực thường có hình ống hoặc hình loa kèn, mọc ra từ nách lá đu đủ. Dài từ 2.5 - 05cm, chúng có mùi thơm như sáp và ngọt ngào. Tuổi thọ hoa có thể từ 03 - 04 ngày. Màu sắc của chúng từ ngà nhạt đến vàng vàng. Hoa đực sinh sản rất lâu và mọc thành các cụm hoa dài đến 1m, chứa nhiều bông hoa. Cấu trúc của hoa đực nhỏ và thon dài, ống hoa gồm 05 cánh đài, 05 cánh ở vành, khoảng 10 nhị đực, nhị cái bị thoái hóa với nhụy nhỏ như sợ chỉ (Storey, 1953).

Các thử nghiệm định tính hóa thực vật trong hoa đu đủ đực có xuất hiện flavonoid, sterol, triterpenoids, tannin, polyphenol và glycoside ở dịch chiết của hoa đu đủ đực. Trong số các chất trên, hợp chất tannin, polyphenol, flavonoid và terpenoid có hoạt tính sinh học phong phú nhất, đóng vai trò quan trọng trong trà và y học. Polyphenol góp phần tạo ra vị đắng, làm se và dư vị ngọt của nước trà và được biết là có hoạt tính chống oxy hóa mạnh. Polyphenol như flavonoid có tác dụng chống oxy hóa, làm giảm phản ứng dị ứng, giảm viêm, có tác động kháng khuẩn, chống lại sự phát triển của ung thư và kháng lại vi rút. Sterol là tiền thân của các vitamin tan trong chất béo và nội tiết tố steroid. Là một thành phần thực phẩm hoặc phụ gia, phytosterol có đặc tính làm giảm cholesterol. Terpenoid thực vật được sử dụng rộng rãi tạo hương thơm. Chúng có vai trò trong biện pháp chữa bệnh truyền thống bằng thảo dược và đang được thử nghiệm về kháng khuẩn, chống ung thư và các chức năng dược phẩm khác. Glycoside cũng rất quan trọng vì tốt cho tim mạch và dùng để điều trị các bệnh liên quan đến tim. Glycoside trợ tim có khả năng tăng lực và sức mạnh của nhịp tim mà không cần tăng số lượng oxy cần thiết cho cơ tim, do đó có thể tăng hiệu quả của tim và ổn định nhịp đập tim. Sự có mặt của một số hợp chất hoạt tính sinh học này khẳng định rằng hoa đu đủ đực góp phần quan trọng đối với y học (King & Milagros, 2016). 

Ngoài ra, ung thư hiện đang là một trong những yếu tố chính gây ra tử vong hàng đầu trên toàn cầu, với hơn 10 triệu ca tử vong vào năm 2020, chiếm gần 1/6 tổng số ca tử vong. Mà ngày nay, thực vật được sử dụng làm nguồn thuốc trở nên rất phổ biến vì nguồn gốc tự nhiên, sẵn có ở cộng đồng địa phương, giá thành rẻ, dễ mua hàng, dễ quản lý và có lẽ ít rắc rối hơn. Ngoài ra, thuốc thảo dược có thể là lựa chọn điều trị thay thế hữu ích trong trường hợp có nhiều tác dụng phụ và kháng thuốc. Các hợp chất điều trị có thể được áp dụng độc lập hoặc kết hợp với các thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị ung thư. Từ đó phát triển hướng nghiên cứu mới, đóng góp vào nền y học hiện đại hướng tới thuốc của các hợp chất tự nhiên an toàn hiệu quả trong điều trị ung thư. Do đó, chúng tôi tập trung nghiên cứu về hàm lượng polyphenol tổng số, khả năng kháng oxy hóa và kháng ung thư của các phân đoạn hoa đu đủ đực.

Nghiên cứu chỉ ra rằng cao phân đoạn nước của hoa đu đủ đực cho hiệu suất thu nhận cao 73.15% với hàm lượng polyphenol là 88.15 ± 1.37 μg GAE/mg cao chiết và có hiệu quả kháng oxy hóa (EC50 = 431.10 μg/mL). Phân đoạn ethyl acetate chohiệu quả gây độc tế bào HepG2, B16F10, K562 tốt với IC50 lần lượt là 130.08; 126.47; 89.33 μg/mL. Nhìn chung, kết quả nghiên cứu cung cấp thêm bằng chứng về sự hiện diện của các chất hóa thực vật có hiệu quả ở trong hoa đu đủ đực, đóng vai trò trong phòng và chữa bệnh, đưa các phân tử thực vật vào điều trị ung thư trong thập kỷ tới. Từ đó cung cấp một giải pháp triển vọng và hiệu quả song hành với phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, để được đưa vào sử dụng thì những nghiên cứu sâu hơn hay thử nghiệm trên cơ thể sống là điều hết sức cần thiết trước khi điều trị cho bệnh nhân.

Tạp chí khoa học Đại học Mở TP.HCM, Số 19/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ