Đánh giá năng suất sinh học và tốc độ phát triển của thực vật nổi ở vùng cửa sông Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Nghiên cứu do nhóm tác giả Huỳnh Minh Sang, Nguyễn Minh Hiếu và Phan Minh Thụ - Viện Hải dương học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện nhằm đánh giá năng suất sinh học và tốc độ phát triển của thực vật nổi (phytoplankton) tại vùng cửa sông Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm làm rõ tính đặc thù của hệ sinh thái cửa sông phục vụ quản lý môi trường nước.

Ảnh minh họa: Internet
Vùng cửa sông là nơi giao thoa giữa nước ngọt từ sông đổ ra và nước mặt từ biển chảy vào theo thủy triều, tạo nên môi trường đặc thù với đặc điểm đa dạng sinh học cao và phong phú. Nó đóng vai trò quan trọng không chỉ trong cung cấp nguồn lợi thủy sản mà còn trong bảo vệ môi trường và duy trì cân bằng sinh thái khu vực. Trong hệ sinh thái đó, thực vật nổi (phytoplankton) như là mắt xích thức ăn quan trọng và là yếu tố ổn định chất lượng nước.
Thực vật nổi tham gia vào chu trình vật chất của thủy vực thông qua quá trình quang hợp nhờ năng lượng ánh sáng mặt trời. Chúng có vai trò cung cấp thức ăn trực tiếp cho động vật phù du, cá và các sinh vật thủy sinh khác. Thực vật nổi còn góp phần điều hòa khí hậu qua việc hấp thụ khí carbonic và giải phóng khí oxy. Tuy nhiên, sự phát triển của thực vật nổi ở vùng cửa sông chịu ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường như độ mặn, nhiệt độ, ánh sáng, và các muối dinh dưỡng nitơ (NH4+, NO3-) và photphat và mang tính đặc trưng của khu hệ nước lợ rõ rệt. Sự thay đổi của các yếu tố này có thể dẫn đến bùng phát hoặc suy giảm mật độ thực vật nổi, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái thủy sinh. Thực vật nổi, là nhóm sinh vật sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến chu trình dinh dưỡng và năng suất sinh học của hệ sinh thái. Thêm vào đó, thực vật nổi còn là một thông số cốt lõi trong các mô hình sinh thái dùng để dự đoán và quản lý hệ sinh thái nước. Chính vì vậy, việc đánh giá tốc độ phát triển của thực vật nổi cho từng vùng là một bước quan trọng trong việc hiểu rõ diễn biến trạng thái của các hệ sinh thái nước ở vùng cửa sông
Tại vùng cửa sông Bà Rịa - Vũng Tàu, nguồn dinh dưỡng/chất thải từ các hoạt động kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, và nuôi trồng thủy sản đã làm thay đổi đáng kể chất lượng môi trường nước. Nguồn tích tụ muối dinh dưỡng này có thể dẫn đến hiện tượng phú dưỡng (eutrophication), kích thích sự gia tăng bất thường của thực vật nổi, gây mất cân bằng sinh thái và ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng nước cũng như nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, đánh giá tốc độ phát triển của thực vật nổi tại vùng cửa sông Bà Rịa - Vũng Tàu là cần thiết để hiểu rõ hiện trạng và sự biến đổi của chúng trong hệ sinh thái. Bài báo đánh giá tốc độ phát triển thực vật nổi tại các khu vực cửa sông ở Bà Rịa – Vũng Tàu dựa trên những thí nghiệm của quá trình quang hợp tại hiện trường. Đánh giá sự phát triển của thực vật nổi không chỉ giúp nhận diện sớm các biến động sinh thái và dự báo các rủi ro tiềm tàng đối với hệ sinh thái thủy sinh và sức khỏe con người. Kết quả các nghiên cứu này còn cung cấp hệ số thực nghiệm về tốc độ phát triển của thực vật nổi cho các mô hình sinh thái phục vụ công tác quản lý bền vững môi trường vùng nghiên cứu.
Với những dữ liệu khảo sát và thực nghiệm ở vùng cửa sông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nước tại vùng nghiên cứu giàu dinh dưỡng, tạo hiệu ứng đến sự phát triển của thực vật nổi. GPP dao động 355,5 - 2040,0 mgC m-3 ngày-1 trong khi đó CR dao động 63,0 - 334,5 mgC m-3ngày-1, GPP vào tháng 6/2022 cao hơn tháng 12/2022 và ở tầng nước mặt cao hơn tầng đáy. Tỷ số GPP/CR dao động 2,15 - 16,06. Hằng số tốc độ phát triển của thực vật nổi ở tầng nước mặt trung bình 0,975 ± 0,743 ngày-1 vào tháng 6/2022 và 1,459 ± 0,494 ngày-1 vào tháng 12/2022 và giảm dần xuống tầng đáy. Kết quả đã phản ánh tốc độ phát triển nhanh của thực vật nổi trong môi trường rất giàu dinh dưỡng và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hiện tượng nở hoa tảo khi ánh sáng đầy đủ. Hằng số tốc độ phát triển của thực vật nổi trong nghiên cứu này có thể được sử dụng trong các mô hình sinh thái động lực học ở vùng cửa sông Bà Rịa – Vũng Tàu để theo dõi sự phát triển của thực vật nổi và trạng thái dinh dưỡng của thủy vực, từ đó góp phần vào việc quản lý môi trường nước vì sự phát triển bền vững.
Tạp chí Khoa học - Công nghệ thủy sản, Trường ĐH Nha Trang, Số 04 (2024)