Tổng hợp vật liệu nano ceo2/sio2 ứng dụng làm chất kích thích sinh trường cho cây ớt chuông (capsicum annuum l.)
Silicon, mặc dù không được coi là một yếu tố thiết yếu trong số 16 yếu tố cần thiết cho cây trồng, nhưng nó đóng một vai trò quan trọng trong nông nghiệp.
Nhiều nghiên cứu trên các loại cây trồng khác nhau đã chỉ ra rằng silic có ảnh hưởng tích cực đến khả năng chống chịu của cây bằng cách tăng cường hàm lượng silic, từ đó bảo vệ cây khỏi sự tấn công của sâu bệnh. Các nghiên cứu cũng cho rằng cây trồng hấp thụ silic dưới dạng SiO32- thông qua quá trình thoát hơi nước, với sự hấp thụ chọn lọc được hỗ trợ bởi các quá trình trao đổi chất qua hệ thống rễ. Ngoài ra, các nguyên tố đất hiếm cũng được chứng minh là tăng cường khả năng hấp thụ và tích lũy dinh dưỡng, nâng cao tỷ lệ tổng hợp và tăng cường sự tích lũy cũng như vận chuyển đường trong cây lương thực. Sự hiện diện của chúng làm tăng hàm lượng đường trong mía, củ cải đường và dưa hấu, đồng thời nâng cao hàm lượng fructose và vitamin C trong trái cây, cũng như tăng cường độ cay và hương vị của hạt tiêu. Những vai trò này góp phần tăng năng suất cây trồng khi sử dụng phân bón chứa nguyên tố đất hiếm. Bên cạnh đó, ớt chuông, hay còn gọi là ớt ngọt, là loại rau quả giàu dinh dưỡng. Hiện nay, ớt chuông có nhiều màu sắc phổ biến như đỏ, vàng, xanh và cam, mỗi màu sắc lại mang đến thành phần dinh dưỡng khác nhau, mang lại lợi ích sức khỏe quý giá cho người tiêu dùng. Các hợp chất lutein và zeaxanthin có trong ớt chuông giúp cải thiện sức khỏe mắt, bảo vệ chống lại tác động của ánh sáng xanh và tổn thương oxy hóa đến vùng hoàng điểm. Hơn nữa, ớt chuông còn chứa sắt, một khoáng chất quan trọng giúp cải thiện chất lượng máu, ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu.

Hình minh họa (internet)
Do đó, trong nghiên cứu này vật liệu CeO2/SiO2 được tổng hợp và ứng dụng làm chất kích thích sinh trưởng cây ớt chuông từ tiền chất Ce(NO3)4 và tro trấu bằng phương pháp chiếu xạ gamma. Hình thái và cấu trúc vật liệu được xác nhận thông qua các phương pháp đặc trưng hóa lý bao gồm: đặc trưng XRD, EDX, IR và SEM. Kết quả khảo sát ảnh hưởng của vật liệu CeO2/SiO2 đến sự sinh trưởng phát triển của cây ớt chuông cho thấy, CeO2/SiO2 ảnh hưởng đáng kể đến sự sinh trưởng, phát triển của cây ớt chuông. Dữ liệu thực nghiệm thu được chỉ ra rằng năng suất ớt chuông tăng 22 tấn/ha, chiều dài rễ trung bình tăng 3,6 cm và thời gian thu hoạch ít hơn 11 ngày so với mẫu đối chứng. Ngoài ra, cây ớt chuông có bổ sung CeO2/SiO2 thì cứng cáp hơn và không có hiện tượng vàng lá. Điều này cho thấy CeO2/SiO2 có tác dụng kích thích sinh trưởng đối với cây ớt chuông.
Tạp chí phân tích Hóa, Lý và Sinh học - Tập 30, số 2A/2024