SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Chuyển đổi số hướng tới phục vụ người dân trong kỷ nguyên mới

[23/02/2025 11:09]

Đất nước ta đang bắt đầu bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên thịnh vượng của dân tộc Việt Nam phát triển, giàu mạnh, kỷ nguyên của sự bứt phá, đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt và cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi.

Trong kỷ nguyên mới, chính phủ hướng tới việc phục vụ nhân dân trên cơ sở xây dựng quốc gia số, thực hiện chuyển đổi số (CĐS) toàn diện, mạnh mẽ ở mọi mặt, mọi lĩnh vực. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ–TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là bước đi chiến lược nhằm xây dựng một chính phủ hiện đại, minh bạch, hiệu quả, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Một số vấn đề về chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới

Về bản chất, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, dựa trên công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động quản lý, thay đổi quy trình và đẩy nhanh tiến trình xử lý công việc của cơ quan và tổ chức. Có nhiều định nghĩa về chuyển đổi số như, theo Gartner: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới”, hay theo Microsoft thì “CĐS là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới”. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) định nghĩa: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số”.

CĐS trong những năm gần đây được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo sát sao với những mục tiêu xác định, chuyển đổi số với trọng tâm là thực hiện cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển, đưa đất nước tận dụng thời cơ nhằm khắc phục những khó khăn, trở ngại và các điểm nghẽn của thể chể. Trong thực tiễn, CĐS quốc gia được khẳng định là chìa khóa, là đòn bẩy và là nhân tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển đất nước, thúc đẩy sức mạnh nội sinh của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết quan trọng về CĐS đã khẳng định: “CĐS không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”.

Chính vì thế, có thể hiểu CĐS là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng cách áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới như dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây, trí thông minh nhân tạo... để thay đổi phương thức điều hành, quản lý và lãnh đạo cũng như quy trình hoạt động của bất cứ ngành, lĩnh vực nào.

Chuyển đổi số hướng tới người dân ở Việt Nam hiện nay

Theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng chính phủ về Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nước ta đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025, cơ quan nhà nước sẽ cắt giảm, tái cấu trúc và chuẩn hóa các thủ tục hành chính trên phạm vi toàn quốc. Dịch vụ công được cung cấp dựa trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của xã hội. Người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận các dịch vụ số theo cách cá thể hóa, tiện lợi, không giấy tờ và không cần hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.

Một loạt chỉ tiêu cụ thể được đặt ra, bao gồm 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tất cả các dịch vụ công trực tuyến phải được thiết kế tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, với dữ liệu được điền sẵn dựa trên các thông tin đã cung cấp trước đó. Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, giảm thiểu tối đa việc nhập liệu lặp lại. Đặc biệt, tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong các năm qua, Việt Nam đã thực hiện các chương trình, chiến lược quốc gia về CĐS, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số một cách toàn diện. Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc về phát triển dịch vụ số đều theo các năm, từ năm 2020 đến năm 2024, chỉ số CĐS (DTI) của Việt Nam tăng khoảng 48%, từ 0,48 lên 0,71; năm 2023 và 2024, dự đoán chỉ số tiếp tục tăng, đạt khoảng 0,75 và chúng ta đang nỗ lực đưa chỉ số này lên mức 0,8 và duy trì liên tục nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia số năm 2030.

Về thể chế, đã giải quyết được nhiều điểm nghẽn, tạo không gian và động lực cho sự phát triển. Trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ 3, Ủy ban quốc gia về CĐS đã chỉ rõ: “CĐS là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững. CĐS là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Chính vì thế, từ Trung ương đến địa phương đã tập trung xây dựng thể chế, ban hành chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm thúc đẩy CĐS quốc gia.

Về các dịch vụ số cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư được triển khai thần tốc đảm bảo liên thông, kết nối dữ liệu cho 18 bộ, 63 địa phương, phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt tra cứu, hơn 537 triệu lượt đồng bộ thông tin (tính đến tháng 9/2024). Gần 3.000 danh mục CSDL dùng chung của các bộ, ngành, địa phương đã được ban hành. Đặc biệt, khối CQNN tích cực triển khai nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia với mức chia sẻ hơn 81 triệu giao dịch mỗi tháng trong năm 2024.

Ứng dụng định danh điện tử VNeID được triển khai đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân lẫn công tác quản lý nhà nước (QLNN). Hệ thống họp và xử lý công việc đã phục vụ 23 phiên họp, xử lý 657 phiếu lấy ý kiến thành viên chính phủ, thay thế hơn 250.600 hồ sơ giấy. Tổng cộng, hệ thống đã phục vụ 111 hội nghị, xử lý 2.662 phiếu và thay thế khoảng 953.700 hồ sơ giấy. Cả nước có hơn 87 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp; 87,08% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử; hơn 13 triệu chữ ký số (CKS) đã được cấp, đạt tỷ lệ 25% tổng số người trưởng thành có CKS. 100% người dân sử dụng VNeID để đăng nhập DVCTT với hơn 93,7 triệu lượt truy cập vào cuối tháng 11/2024. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 45%, tăng 28% so với 2023, trong đó khối bộ đạt 62,48%.

Thách thức và giải pháp

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, việc triển khai Chính phủ điện tử vẫn đối mặt với không ít thách thức. Một trong những rào cản lớn nhất là mức độ hiểu biết và khả năng sử dụng công nghệ thông tin của người dân. Nhiều người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vẫn còn gặp khó khăn trong việc sử dụng các thiết bị thông minh để truy cập dịch vụ công trực tuyến.

Để giải quyết vấn đề này, cần tổ chức các chương trình đào tạo và phổ biến kiến thức công nghệ thông tin, hướng dẫn cách sử dụng các cổng dịch vụ công và ứng dụng di động. Đồng thời, chính quyền cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đảm bảo sự ổn định và an toàn trong vận hành các hệ thống trực tuyến.

Một thách thức khác là đảm bảo tính bảo mật và an toàn thông tin trong các giao dịch trực tuyến. Điều này đòi hỏi việc xây dựng các hệ thống bảo mật mạnh mẽ, cùng với các quy định pháp luật rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng.

Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 – 2025 không chỉ là bước đi quan trọng trong hiện đại hóa hành chính công mà còn là nền tảng để xây dựng Chính phủ số. Với những thành tựu đạt được, cùng với sự hỗ trợ từ công nghệ và sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp, Việt Nam đang tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng một chính phủ hiện đại, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm.

Tạp chí Thông tin và Truyền Thông, số 1+2/2025
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ