SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tiếp cận về văn hóa số trong thời đại số

[28/02/2025 10:47]

Trong chiến lược chuyển đổi số, những thuật ngữ như “kinh tế số”, “xã hội số”, “văn hóa số” cũng được đề cập một cách thường xuyên, vừa như phương thức, vừa như hệ quả của sự chuyển đổi. Trong đó, thuật ngữ “văn hóa số” có lẽ là phức tạp hơn cả, cũng như bản thân sự phức tạp vốn có của văn hóa.

Văn hóa số phản ánh cách thức con người tương tác, sáng tạo, và chia sẻ thông tin qua các nền tảng kỹ thuật số. Đặc biệt, trong thời đại số, chúng ta không chỉ tiếp nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông truyền thống mà còn tương tác với những nội dung số qua mạng xã hội, các ứng dụng di động, trò chơi trực tuyến, và nền tảng chia sẻ video, âm nhạc, v.v.

Hành trình của thuật ngữ “văn hóa” trong học thuật phương Tây

Văn hóa là “canh tác” và “thu hoạch”

Về mặt nguồn gốc, nhiều tài liệu, nhiều nhà nghiên cứu thống nhất với nhau rằng, “văn hóa” khởi nguồn từ trong lĩnh vực nông nghiệp, “văn hóa” được coi là sự gieo trồng, canh tác của đất, của cây trồng, hoa màu. Sự canh tác này, nói như John Hartley (2002), không chỉ nói đến sự tăng trưởng mà còn ngụ ý đến việc thu hoạch những sản vật “tự nhiên” và chuyển hóa chúng thành những sản phẩm mong muốn với những đặc trưng, tính khả dụng, được cải thiện và chọn lọc theo nhu cầu của con người.

Quy chiếu vào xã hội, có thể thấy rằng, thuật ngữ “văn hóa” ngầm chỉ một so sánh với việc “canh tác” và “thu hoạch” của trí óc. Xét trên diện rộng, đó là sự thu hoạch của những năng lực “tự nhiên” mà con người có được, để sản xuất ra những cách thức sinh hoạt, giá trị vật chất, tinh thần ngày càng tiến bộ cho xã hội. Điều thú vị đáng chú ý đó là quan niệm về văn hóa như là sự “canh tác”, “thu hoạch” lại rất phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản thời kỳ đầu - đó là một nền kinh tế tư bản chủ yếu dựa trên sở hữu đất đai, hồi thế kỷ 17, 18.

Văn hóa là đỉnh cao, là “sự ngọt ngào và ánh sáng”

Trong bối cảnh của thế kỷ 19, văn hóa vẫn còn duy trì sự kế thừa từ thời kỳ trước đó và thể hiện tính chất của một nền sản xuất và kinh tế tiền công nghiệp và một ý thức xã hội kiểu phi công nghiệp hóa. Những người đề xuất và định hình trường phái văn hóa theo kiểu toàn mỹ này còn gây được những ảnh hưởng to lớn về tư tưởng trong đời sống chính trị, bằng chính sự tham gia áp đảo của họ, gọi là giới tinh hoa, trong bộ máy nhà nước, quản lý hành chính, bằng những sinh hoạt tri thức và thậm chí cả trong lĩnh vực truyền thông. Ở những địa hạt này tư tưởng văn hóa của họ được thể hiện như là đại diện cho mối quan tâm chung và lợi ích của toàn xã hội.

Văn hóa là tầng lớp, giai cấp, giới và sắc tộc

Diễn ngôn văn hóa như là sự toàn mỹ của trí thức tinh hoa, trên thực tế, ít có khả năng bảo tồn những di sản văn hóa vô giá, vượt thời gian và phổ quát của chung nhân loại; nhưng ở phương diện ngược lại, nó tạo ra sức ép và vô hình trung đẩy các vấn đề văn hóa giai cấp, giới, sắc tộc nổi bật lên và dần trở thành những lực lượng văn hóa đối kháng. Những đại diện đầu tiên và gây tiếng vang lớn trong việc phê phán quyền năng tối cao của giới tinh hoa đó chính là Richard Hoggart và Raymond Williams, những người sau này sẽ góp phần quan trọng trong việc thành lập Viện Nghiên cứu Văn hóa Đương đại Birmingham, Anh quốc.

Từ nửa cuối thập niên 1950s, công trình nghiên cứu và phát ngôn học thuật của những học giả này đã đặt nền móng cho sự ra đời của lĩnh vực “nghiên cứu văn hóa” (cultural studies), ở đó khái niệm văn hóa đã trải qua sự chuyển dịch hoàn toàn, triệt để, để mở ra hướng tiếp cận văn hóa hoàn toàn mới.

Các trường phái tiếp cận về thực thể văn hóa số

Văn hóa số là quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức, hành vi trên môi trường số

Văn hóa số như là quá trình sản xuất ra nghĩa (meaning) hàng ngày trên nền tảng số

Văn hóa số như là tổng thể lối sống trên không gian số.

Tạp chí Thông tin và Truyền thồng, 12/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ