Chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời còn là đơn vị đầu ngành thực hiện chỉ đạo tuyến về lao và bệnh phổi cho các tỉnh thành phía Nam. Với mong muốn khảo sát chất lượng cuộc sống (CLCS) của bệnh nhân COPD sau khi được chẩn đoán, đến khám tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, đề tài “Chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân COPD tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch” được tiến hành. Mục tiêu nghiên cứu xác định điểm số trung bình chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bằng bộ câu hỏi WHOQOL-BREF tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch năm 2024.

Ảnh minh họa
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang là một vấn đề được quan tâm trên toàn cầu. Theo ước tính của WHO, đến năm 2030, COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới. Vào năm 2019, có đến 3,23 triệu ca tử vong do COPD. Nguyên nhân hàng đầu khiến phổi bị tổn thương ở bệnh nhân COPD là do các hạt bụi trong ô nhiễm không khí và các khí độc hại có trong khói thuốc lá. Tại Việt Nam, tỷ lệ COPD ở đối tượng từ 23 - 72 tuổi trên địa bàn Hà Nội trong giai đoạn 2009 - 2010 là 7,1%, trong đó tỷ lệ ở nam giới và nữ giới lần lượt là 10,9% và 3,9%.
Các tác giả thực hiện nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên 370 bệnh nhân COPD từ 18 tuổi trở lên đến khám và điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch từ tháng 1/2024 đến tháng 8/2024. Phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Bộ công cụ thu thập số liệu là bộ câu hỏi WHOQOL - BREF đã được chuẩn hóa.
Kết quả cho thấy: Điểm chất lượng cuộc sống (CLCS) chung là 49,35 ± 4,76 ở mức trung bình, với điểm trung bình của 4 khía cạnh theo thang đo WHOQOL - BREF dao động từ 46,26 đến 55,15.
Chất lượng cuộc sống (CLCS) của bệnh nhân COPD ở mức trung bình. Do đó, cần cung cấp thông tin về các phương pháp hỗ trợ cai thuốc lá và triển khai dịch vụ cai thuốc tại bệnh viện. Đồng thời, cần tập trung nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân có CLCS thấp. Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe tâm lý và hỗ trợ xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện CLCS cho bệnh nhân.
Tạp chí Y được học Phạm Ngọc Thạch Tập. 4 Số. 1 (2025)