SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Khảo sát đặc điểm hình ảnh viêm túi thừa đại tràng có biến chứng trên cắt lớp vi tính bụng

[17/03/2025 15:10]

Cắt lớp vi tính (CLVT) được xem là phương tiện hình ảnh chính trong chẩn đoán và phân giai đoạn viêm túi thừa đại tràng. Năm 2020, Hiệp hội Phẫu thuật Cấp cứu Thế giới (WSES) đã đưa ra bảng phân độ dựa trên CLVT cho bệnh lý này và các biến chứng liên quan. Nhằm mô tả đặc điểm hình ảnh CLVT của viêm túi thừa đại tràng (VTTĐT) có biến chứng theo WSES 2020, nhóm nghiên cứu do tác giả chính Phạm Thanh Tùng (Bộ môn Chẩn đoán Hình ảnh, Khoa Y, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch) cùng các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu hồi cứu trên bệnh nhân có kết quả phẫu thuật hoặc giải phẫu bệnh VTTĐT trong giai đoạn từ tháng 01/2022 đến tháng 08/2024.

Ảnh minh họa

Viêm túi thừa đại tràng là một bệnh lý phổ biến, gia tăng theo tuổi và được phát hiện ngày càng nhiều nhờ các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Ở phương Tây, bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến đại tràng trái, trong khi tại Mỹ, hàng trăm nghìn ca biến chứng phải nhập viện mỗi năm. Tại Việt Nam, số ca bệnh được báo cáo ngày càng tăng, với một số khác biệt so với các nước phương Tây. CLVT hiện là phương pháp chính để chẩn đoán và phân giai đoạn viêm túi thừa, dựa theo hệ thống phân loại WSES 2020.

Kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu bao gồm 104 bệnh nhân, trong đó có 45 trường hợp VTTĐT bên phải và 75 trường hợp VTTĐT bên trái. Tuổi trung bình của bệnh nhân có biến chứng là 55,59 ± 15,7 tuổi, với tỉ lệ nam/nữ là 1,85. Biến chứng thủng túi thừa được quan sát trực tiếp dễ dàng hơn ở đại tràng phải. Các dấu hiệu hình ảnh thường gặp gồm dày thành đại tràng, thâm nhiễm mỡ, hiện diện nhiều túi thừa, dịch và khí cạnh đại tràng, áp xe, viêm phúc mạc lan tỏa. Biến chứng rò và tắc ruột có tỉ lệ thấp nhưng cần được lưu ý. Đáng chú ý, dịch lan tỏa và khí xa đại tràng chỉ gặp ở VTTĐT bên trái.

Phân bố các giai đoạn biến chứng theo WSES 2020 cho thấy:

  • Bên phải: 1A (64,4%), 1B (11,1%), 2A (17,8%), 2B (4,4%), 3 (0%), 4 (0%).
  • Bên trái: 1A (25,3%), 1B (16%), 2A (17,3%), 2B (8%), 3 (6,7%), 4 (22,7%).

Kết quả cho thấy VTTĐT bên trái có biến chứng nặng hơn so với bên phải, với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p = 0,000 < 0,05).

Kết luận

Các dấu hiệu hình ảnh đặc trưng của VTTĐT có biến chứng theo WSES 2020 bao gồm dày thành đại tràng >10mm, thâm nhiễm mỡ nhiều, sung huyết mạch máu mạc treo, khí và dịch cạnh đại tràng, áp xe. Bệnh nhân VTTĐT bên trái có tuổi cao hơn, BMI lớn hơn và biến chứng nghiêm trọng hơn so với bên phải, đặc biệt là khí tự do xa đại tràng và viêm phúc mạc lan tỏa. Do đó, kiểm soát cân nặng để phòng ngừa bệnh cũng như theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị nhằm ngăn ngừa biến chứng nặng là điều cần thiết đối với nhóm bệnh nhân này.

Tạp chí Y được học Phạm Ngọc Thạch Tập. 4 Số. 1 (2025)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ