SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tại nhà của người bệnh tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức năm 2024

[17/03/2025 15:54]

Chăm sóc sức khoẻ tại nhà (CSSKTN) là loại hình khá phổ biến trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng ở các nước tuy nhiên còn khá mới ở Việt Nam. Vấn đề quan tâm khi triển khai mô hình này, cần đánh giá nhu cầu và các yếu tố liên quan đến CSSKTN của người bệnh. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá nhu cầu và các yếu tố liên quan đến nhu cầu được CSSKTN của người bệnh sau điều trị nội trú tại bệnh viện Lê Văn Thịnh thành phố Thủ Đức.

Ảnh minh họa

Chăm sóc sức khỏe tại nhà (CSSKTN) là một mô hình dịch vụ y tế ngày càng được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh dân số già hóa và tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính gia tăng. CSSKTN không chỉ giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế ngay tại nhà, giảm áp lực cho bệnh viện mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện và giảm chi phí điều trị. Nhu cầu CSSKTN đặc biệt cao ở người cao tuổi, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, người gặp khó khăn trong di chuyển hoặc không có người thân chăm sóc thường xuyên. Các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu này bao gồm tình trạng sức khỏe, mức độ hỗ trợ từ gia đình, chi phí dịch vụ và sự tiện lợi trong tiếp cận y tế. Việc phát triển các dịch vụ CSSKTN phù hợp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người bệnh.

Nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên 122 bệnh nhân sau điều trị nội trú tại khoa Nội Tổng hợp trong 2 tháng (tháng 5 và 6/2024). Dữ liệu được thu thập thông qua phiếu khảo sát, sau đó phân tích bằng phần mềm SPSS 16.0 với các phương pháp thống kê mô tả, phép kiểm Chi-square và Fisher Exact.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Trong tổng số 122 bệnh nhân tham gia, độ tuổi trung bình là 60,7 ± 17,01, với 71,3% mắc bệnh mạn tính. Có 59% bệnh nhân có nhu cầu CSSKTN, trong đó lý do chủ yếu bao gồm: không phải chờ đợi lâu khi khám bệnh (57,4%), gặp khó khăn trong di chuyển do tình trạng sức khỏe (56,6%), và mong muốn được tư vấn nhiều hơn với nhân viên y tế (55,7%).

Các yếu tố có liên quan đến nhu cầu CSSKTN với ý nghĩa thống kê (p < 0,05) gồm:

  • Mắc bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, suy gan - thận, bệnh lý tim mạch).
  • Độ tuổi (≥ 60 tuổi có nhu cầu cao hơn).
  • Không có người thân thường xuyên chăm sóc.
  • Mức chi phí dịch vụ và chất lượng phục vụ.

Tuy nhiên, không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa khoảng cách địa lý (giữa nhà và bệnh viện) với nhu cầu CSSKTN. Ngoài ra, mức độ hài lòng với dịch vụ CSSKTN có mối liên quan chặt chẽ với khả năng giới thiệu dịch vụ cho người khác (p < 0,05).

Nghiên cứu cho thấy 59% bệnh nhân sau điều trị nội trú tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh có nhu cầu CSSKTN. Một số yếu tố có ý nghĩa thống kê ảnh hưởng đến nhu cầu này, từ đó gợi ý về sự cần thiết của việc phát triển mô hình CSSKTN nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tốt hơn cho bệnh nhân, đặc biệt là nhóm mắc bệnh mạn tính và người cao tuổi.

Tạp chí Y được học Phạm Ngọc Thạch Tập. 3 Số. 4 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ