Sử dụng Canxi Chlorua (CaCl2) phun qua trái để hạn chế tình trạng nứt trái, chạy chỉ trên trái vú sữa tím (Chrysophyllum cainito L.) khi thu hoạch tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng
Vùng trồng và cung ứng vú sữa xuất khẩu chính của tỉnh Sóc Trăng hiện nay là huyện Kế Sách. Tuy nhiên, gần đến ngày thu hoạch, trái hay bị nứt hoặc chạy chỉ, làm giảm năng suất, giảm chất lượng sản phẩm. Thí nghiệm được thực hiện nhằm xác định liều lượng Canxi Chlorua (CaCl2) và thời điểm phun để hạn chế tình trạng nứt trái, chạy chỉ trên trái vú sữa tím trên vườn vú sữa tím 07 năm tuổi tại xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).

Ảnh minh họa: Internet
Cây vú sữa (Chrysophyllum cainito L.) còn được gọi bằng một số tên khác nhau tùy thuộc vào nơi trồng như táo sao, cainito và caimito. Thành phần dinh dưỡng, vị thuốc và năng lượng trong trái vú sữa rất cao và đa dạng. Theo Hau et al., trái vú sữa chứa 78,4–85,7% nước và mỗi 100 g thịt trái có chứa 0,72–2,33 g protein, 14,65 g carbohydrate, 8,45-10,39 g đường tổng số, canxi 7,4-17,3 mg, phospho 15,9- 22 mg, sắt 0,3-0,68 mg, chất xơ 0,55-3,3 mg, carotene 0,004-0,039 mg và nhiều vitamin A, B1, B2, B3, các axit amin, axit malic. Tại Việt Nam, vú sữa được trồng nhiều ở một số tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau. Tại tỉnh Sóc Trăng, diện tích trồng vú sữa ước tính hơn 1.600 ha, tập trung chủ yếu tại một số xã như Xuân Hòa, Trinh Phú, Ba Trinh, Phong Nẫm thuộc huyện Kế Sách, sản lượng thu hoạch khoảng 9.994 tấn/năm. Hiện nay, để góp phần nâng cao chất lượng cũng như giá trị của trái vú sữa tím, biện pháp bao trái tiền thu hoạch để quản lí ruồi (giòi) đục trái đã được thực hiện. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi gần đến ngày thu hoạch thì trái dễ bị nứt hoặc chạy chỉ, hao hụt khá nhiều làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Để góp phần hạn chế tình trạng nứt trái, chạy chỉ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trái vú sữa tại huyện Kế Sách, thí nghiệm sử dụng canxi chlorua (CaCl2) phun qua trái để hạn chế tình trạng nứt trái, chạy chỉ trên trái vú sữa tím (Chrysophyllum cainito L.) khi thu hoạch tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng được thực hiện.
Ở vú sữa tím, hiện tượng nứt trái và chạy chỉ trên vỏ trái đang là một vấn đề cấp bách cần được quan tâm hiện nay. Khi trái bị nứt thì không có giá trị thương phẩm, còn trái bị chạy chỉ thì không đảm bảo tiêu chuẩn về mẫu mã. Do khi bao trái bằng túi nilon trong, trái đang ở giai đoạn phát triển, dễ bị nứt khi gặp mưa hoặc khi mực thủy cấp trong vườn cao, nhất là vào giai đoạn chuẩn bị chín và thu hoạch. Các tài liệu nghiên cứu để khắc phục tình trạng nứt trái, chạy chỉ ở trái vú sữa tím hiện nay chưa được công bố. Trên các nhóm cây ăn trái khác như chôm chôm, tình trạng nứt trái thường xuất hiện vào tuần thứ 12 sau đậu trái – giai đoạn trái trưởng thành và tăng cho đến gần ngày thu hoạch với tỉ lệ nứt cụ thể lần lượt là 0,2%, 8,0% và 13,0% vào các thời điểm tuần thứ 12, tuần thứ 14 và tuần thứ 16. Một nghiên cứu khác của Wang et al. trên trái táo cũng cho thấy hiện tượng nứt trái xảy ra trong giai đoạn trái trưởng thành. Các nghiên cứu của Lane et al. và Knoche et al. ở trái anh đào hay nghiên cứu của Michailides et al. ở trái mận cũng có kết quả tương tự.
Thời điểm nứt trái của các loại trái cây nhìn chung thường xảy ra sau giai đoạn gặp nhiệt độ cao, lượng nước bốc hơi mạnh và gặp ẩm độ không khí thấp, thường trùng với giai đoạn có mưa nhiều, số giờ nắng cũng như lượng nước bốc hơi giảm, ẩm độ không khí cao. Nghiên cứu của Board nhận thấy vào giai đoạn trái phát triển nhanh, khi gặp các yếu tố như nhiệt độ không khí cao, ẩm độ không khí và đất thấp sẽ làm cho trái cây dễ bị nứt. Điều này là do vỏ trái khi đó trở nên cứng hơn, nếu gặp thêm các áp lực từ bên trong như sự tăng trưởng nhanh của thịt trái hoặc sự hấp thu nước nhiều hoặc mưa nhiều sẽ làm cho trái dễ bị nứt hơn. Hiện tượng này đã được ghi nhận cụ thể trên một số loại trái cây tiêu biểu như mận, anh đào, táo, vải, nhãn.
Để khắc phục hiện tượng nứt trái, bên cạnh việc điều chỉnh lượng nước tưới, việc phun canxi clorua (CaCl2) qua lá cũng là một biện pháp hữu hiệu đã được áp dụng trên nhiều loại cây ăn trái. Theo Rousseau và Hanekom, canxi được gắn thêm vào cấu trúc vách tế bào của vỏ trái và làm cho vách tế bào trở nên cứng chắc hơn; nó cũng giúp duy trì và điều hòa tính thấm của màng tế bào. Mức nồng độ canxi clorua (CaCl2) được khuyến cáo áp dụng để khắc phục tình trạng nứt trái trên một số loại trái cây như anh đào, cam quýt, vải, lựu là khoảng 0,5–2,0%. Ở Việt Nam, CaCl2 cũng được công bố sử dụng hiệu quả trên một số loại cây ăn trái để hạn chế tình trạng nứt trái. Để hạn chế nứt trái trên cây xoài, Nguyễn Bảo Vệ và cộng sự cho rằng mức nồng độ CaCl2 2.000 ppm, phun 2 tuần/1 lần từ lúc hai tháng trước khi thu hoạch là phù hợp. CaCl2 cũng được đề xuất sử dụng phù hợp cho việc hạn chế tình trạng nứt trái ở chôm chôm Rongrien, với nồng độ sử dụng phun qua lá là 2,0–4,0%, phun sau khi hoa nở được tám tuần (số lần phun là bốn lần, khoảng cách giữa từng lần là 15 ngày) đã làm giảm tỉ lệ nứt trái được 1,72,2 lần so với đối chứng. Các nghiên cứu đã thực hiện cho thấy, sử dụng CaCl2 nồng độ 0,5–4,0% phun nhiều lần ở giai đoạn đậu trái có thể giúp hạn chế được tình trạng nứt trái ở nhiều loại trái cây khác nhau.
Phun CaCl2 nồng độ 2,0% vào hai thời điểm 90 và 120 ngày sau đậu trái có tỉ lệ nứt trái thấp nhất (17,2%), vỏ trái không bị chạy chỉ, đường kính và độ ngọt cao (Brix 13,7). Trong canh tác cây vú sữa tím, phun CaCl2 nồng độ 2,0%, phun hai lần vào lúc 90 và 120 ngày sau đậu trái để góp phần hạn chế tình trạng nứt trái (giảm nứt trái hơn hai lần so với không phun).
Tạp chí khoa học Trường Đại học Trà Vinh, Tập 14 (2024)