SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Giải trình tự và nghiên cứu đặc điểm hệ gen lục lạp cây mù u (Calophyllum inophyllum L.) ở tỉnh Trà Vinh

[21/03/2025 09:36]

Với giá trị thảo dược cao, nhiều sản phẩm được phát triển từ cây mù u như dầu mù u và các loại nguyên liệu mĩ phẩm. Tại tỉnh Trà Vinh, mô hình khai thác và phát triển nguồn gen cây mù u tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang đang được triển khai thực hiện và cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế.

Ảnh minh họa: Internet

Cây mù u (Calophyllum inophyllum L.), còn được gọi là hồ đồng hay cồng, thuộc họ Măng cụt/Bứa (Clusiaceae). Tại Việt Nam, cây mù u mọc hoang hoặc được trồng phổ biến, phân bố tập trung ở các tỉnh phía Nam, trong đó có Trà Vinh. Từ lâu, cây mù u được biết đến là một trong những cây có giá trị dược liệu rất cao. Hầu hết các bộ phận của cây đều được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh như phần rễ, lá, nhựa mủ, hạt hoặc dầu ép từ hạt. Mù u chứa nhiều hoạt chất có giá trị dược liệu cao, trong nhân hạt chứa 50,2–73% dầu, vỏ hạt chứa leucocyanidin, vỏ cây chứa 11,9% tannin, acid hữu cơ, saponin triterpene, phytosterol, tinh dầu, coumarin. Mủ của quả có các glycerid, tinh dầu, nhựa và các phức hợp laction (dẫn xuất coumarin) như calophylloid, mophyllolid, acid calophyllic. Ngoài ra, một lượng lớn acid béo trong dầu mù u như stearic, palmitic, myristic, lauric, margaric, arachidic, eicosenoic, linoleic. Các hoạt chất trong mù u được chứng minh có tác dụng trong phòng chống ung thư, khối u, kháng viêm, kháng khuẩn, chống kết tập tiểu cầu, loạn thần, chống đông máu và giảm đau. Có thể thấy mù u là loài thực vật có giá trị cao về kinh tế và là dược liệu quý cần có các nghiên cứu về ứng dụng và bảo tồn.

Hiện tại, ngoài các nghiên cứu ứng dụng dựa trên giá trị dược liệu cây mù u, các đề tài bảo tồn giống cây này cũng được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào vấn đề thu thập các đặc tính môi trường sống, định danh phân tử cây mù u dựa trên bộ sáu chỉ thị SSR (simple sequence repeats). Một nội dung quan trọng trong bảo tồn nguồn gen là cơ sở dữ liệu hệ gen bao gồm các trình tự mã hóa protein, RNA ribosome, và RNA vận chuyển của cây mù u chưa được quan tâm thực hiện. Trước đây, trình tự bộ gen lục lạp chưa hoàn chỉnh của cây mù u phân bố tại Indonesia đã được công bố. Tuy nhiên, dữ liệu bộ gen lục lạp chưa hoàn chỉnh nên chưa cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về đặc điểm của bộ gen lục lạp của cây mù u. Bên cạnh đó, các nguy cơ về suy thoái môi trường và tác động sinh học, vi sinh học dẫn đến việc xói mòn nguồn gen thực vật là rất cao. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gen tự nhiên của các giống cây có giá trị kinh tế – xã hội, y học nhằm phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn, phục hồi và tái tạo nguồn lợi giống cây trồng là cấp thiết, đã và đang được quan tâm thực hiện tại nhiều đơn vị nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới.

Trong nghiên cứu này, bộ gen lục lạp của cây mù u phân bố tại tỉnh Trà Vinh đã được giải trình tự thành công và được mô tả chi tiết về cấu trúc và thành phần gen. Các thông tin này rất cần thiết để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo về đa dạng di truyền của cây mù u phân bố ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các nghiên cứu tiếp theo về so sánh bộ gen lục lạp sẽ cung cấp thông tin hữu ích về quá trình tiến hóa và thích nghi của cây mù u với các loài thân thuộc trong họ Bứa.

Tạp chí khoa học Trường Đại học Trà Vinh, Tập 14 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ