Phối hợp bảo vệ Rơle đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện cho động cơ điện trong sơ đồ tự dùng của nhà máy nhiệt điện
Động cơ điện là phụ tải động lực quan trọng và được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp. Trong hệ thống điện tự dùng của các nhà máy nhiệt điện, các động cơ điện tự dùng thường có công suất lớn, số lượng nhiều và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định và an toàn cho hoạt động của nhà máy.
Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu tính toán thông số cài đặt và phối hợp bảo vệ rơ le trong sơ đồ cung cấp điện cho động cơ điện tại nhà máy nhiệt điện. Trước hết, sơ đồ cung cấp điện điển hình của động cơ điện tự dùng được lựa chọn cùng các thông số chính của các phần tử bao gồm máy biến áp, động cơ điện và dây dẫn. Phần mềm ETAP hỗ trợ phân tích đặc tính khởi động của động cơ điện từ đó lựa chọn các loại đặc tính quá dòng điện khác nhau của bảo vệ rơ le theo tiêu chuẩn. Tiến hành mô phỏng các kịch bản điển hình cho thấy sơ đồ phối hợp có thể bảo vệ hiệu quả động cơ điện và đáp ứng các yêu cầu bảo vệrơ le cho động cơ điện trong sơ đồcung cấp điện tự dùng của nhà máy nhiệt điện.

Các động cơ điện công suất lớn phía trung áp và hạ áp trong sơ đồ cung cấp điện tự dùng đã được trang bị bảo vệ phù hợp gồm có chức năng bảo vệ quá dòng làm bảo vệ chính. Phối hợp bảo vệ được thực thiện theo 3 cấp thời gian, đảm bảo các phần tử được bảo vệ và sơ đồ làm việc tin cậy.
Thông số cài đặt cho các bảo vệ đã xem xét tới điều kiện làm việc quá tải, ngắn mạch và đặc biệt là điều kiện khởi động của các động cơ điện tương ứng với các trường hợp thay đổi điện áp đầu cực. Kết quả phối hợp đặc tính của bảo vệ nằm trên đường đặc tính khởi động và nằm dưới đặc tính về nhiệt của động cơ điện đảm bảo tác động chính xác. Các MCCB bảo vệ cho động cơ điện hạ áp có sai số tác động lớn hơn các rơ le số có thể gây khó khăn khi điều chỉnh phối hợp thời gian với các bảo vệ khác. Khó khăn cũng gặp phải khi phối hợp các bảo vệ trong nhiều phương thức vận hành khác nhau. Phần mềm ETAP có thể hỗ trợ trong phối hợp và điều chỉnh thông số cái đặt phù hợp, giảm khối lượng tính toán và thời gian thực hiện, đảm bảo kết quả phối hợp được tin cậy.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Nguyễn Phúc Huy, Ma Thị Thương Huyền, Vũ Hoàng Giang thuộc Khoa Kỹthuật điện, Trường Đại học Điện lực.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội Tập 61 - Số 01 (1/2025)