SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Đặc điểm viêm phổi cộng đồng có nhiễm tác nhân Mycoplasma pneumoniae ở trẻ dưới 5 tuổi tại khoa Hô hấp bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh

[11/04/2025 08:15]

Viêm phổi cộng đồng (VPCĐ) do vi khuẩn không điển hình (VKKĐH) ngày càng thường gặp ở trẻ em nhỏ hơn 5 tuổi, có biểu hiện lâm sàng nặng hơn và đề kháng macrolide ngày càng gia tăng. Tác giả chính Đường Thị Phương Linh thuộc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh và các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị VPCĐ có nhiễm Mycoplasma pneumoniae ở trẻ dưới 5 tuổi và xác định yếu tố liên quan đến VPCĐ nặng do Mycoplasma pneumoniae.

Ảnh minh họa

Viêm phổi mắc phải cộng đồng (VPCĐ) là một trong những vấn đề sức khỏe quan trọng ở trẻ em trên thế giới, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ hơn 5 tuổi. Tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 4000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì VPCĐ. Viêm phổi gây ra do nhiều tác nhân vi-rút, vi khuẩn và vi nấm khác nhau, có thể đơn nhiễm hoặc đồng nhiễm. Có sự phân bố khác nhau theo tuổi của vi khuẩn không điển hình (VKKĐH): Mycoplasma pneumoniae và Chlamydophila pneumoniae thường gặp ở trẻ trên 3 tuổi, Chlamydia trachomatis thường gặp ở trẻ nhũ nhi và Legionella pneumophila hiếm gặp. Tỷ lệ trẻ VPCĐ do VKKĐH có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, thường gặp hơn ở trẻ dưới 5 tuổi với các biểu hiện lâm sàng tại phổi và ngoài phổi nặng hơn và tỷ lệ đề kháng với Macrolides ngày càng gia tăng.

Nghiên cứu được tiến hành theo thiết kế cắt ngang trên 385 trẻ từ 1 tháng đến 59 tháng tuổi nhập viện vì VPCĐ tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2023 đến tháng 4/2024. Kết quả cho thấy, có 76 trẻ (chiếm 19,7%) được xác định nhiễm M. pneumoniae. Độ tuổi trung vị của nhóm này là 25,8 tháng, với tỷ lệ nam/nữ là 1,8/1. Các triệu chứng lâm sàng thường gặp bao gồm ho, thở nhanh, ran ẩm nổ, và khoảng 10,5% trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch hô hấp. Về cận lâm sàng, công thức máu và chỉ số CRP phần lớn nằm trong giới hạn bình thường. Hình ảnh X-quang ngực cho thấy tổn thương chủ yếu là dạng phế nang và mô kẽ, với 14,5% trường hợp ghi nhận viêm phổi thùy và 5,3% có tràn dịch màng phổi lượng ít.

Về điều trị, 93,5% trẻ đáp ứng tốt với kháng sinh nhóm macrolide, với thời gian điều trị trung bình là 9,4 ± 4,4 ngày. Đáng chú ý, không ghi nhận trường hợp tử vong nào trong nghiên cứu. Tuy nhiên, các phân tích không tìm thấy yếu tố nguy cơ cụ thể nào liên quan đến tình trạng VPCĐ nặng do M. pneumoniae. Nhìn chung, VPCĐ do M. pneumoniae ở trẻ dưới 5 tuổi tại bệnh viện có biểu hiện lâm sàng phần lớn ở mức độ nhẹ đến trung bình và đáp ứng tốt với điều trị bằng macrolide.

Nghiên cứu không chỉ cung cấp cái nhìn toàn diện về đặc điểm của VPCĐ do M. pneumoniae ở trẻ nhỏ tại Việt Nam mà còn góp phần định hướng chẩn đoán và điều trị hiệu quả, trong bối cảnh tỷ lệ nhiễm VKKĐH ngày càng gia tăng và vấn đề kháng sinh đang trở thành thách thức lớn.

tnxmai

Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh - Tập. 28 Số. 1 (2025)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ