Kết quả điều trị chấn thương vỡ sàn ổ mắt sử dụng lưới titan tạo dạng trước trên mẫu in 3D
Tác giả Ngô Thị Quỳnh Lan - Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và các cộng sự thực hiện nghiên cứu với mục tiêu nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng, Xquang và đánh giá kết quả điều trị của chấn thương vỡ sàn ổ mắt trong chấn thương gãy xương tầng giữa mặt sử dụng lưới titan tạo dạng trước trên mẫu in 3D tại khoa Phẫu thuật hàm mặt, bệnh viện Răng Hàm Mặt Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) năm 2021 – 2023.

Ảnh minh họa
Chấn thương liên quan đến ổ mắt là một trong những thể gãy thường gặp nhất của tầng giữa mặt, chiếm khoảng 40% các trường hợp bị chấn thương vùng hàm mặt. Trong đó, vỡ sàn ổ mắt là thể gãy phổ biến nhất ở vùng ổ mắt. Khi sàn ổ mắt vỡ sẽ đẩy mảnh xương gãy vào xoang hàm cùng với mô mềm quanh ổ mắt. Do đó, chấn thương vỡ sàn ổ mắt có thể gây ra một số biến chứng như song thị, lõm mắt, tổn thương thần kinh thị hoặc thần kinh dưới ổ mắt. Các trường hợp trên nên được phẫu thuật tái tạo lại sàn ổ mắt kịp thời và đúng cách để có thể đạt được sự hồi phục tốt nhất. Hầu hết các trường hợp vỡ sàn ổ mắt đều làm thay đổi thể tích ổ mắt và vị trí của nhãn cầu. Do đó, tái tạo lại được chính xác hình dạng và vị trí của sàn ổ mắt sẽ giúp phục hồi lại đầy đủ thể tích ổ mắt, đặt lại đúng vị trí của nhãn cầu và đem đến kết quả lành thương ổn định lâu dài.
Lưới titan có tính tương hợp sinh học, độ cứng chắc cao, giá thành rẻ, có thể sử dụng cho những trường hợp thiếu hổng sàn ổ mắt lớn hoặc gãy phức tạp. Tuy nhiên trong phẫu thuật cần thời gian để điều chỉnh phần lưới ghép để có thể tạo dạng và kích thước phù hợp vùng gãy của từng người bệnh. Ngày nay, ứng dụng kĩ thuật số vào phẫu thuật hàm mặt, đặc biệt từ những hình ảnh cắt lớp điện toán, tái tạo hình ảnh 3D sàn ổ mắt chấn thương bằng thuật toán đối xứng, sử dụng bên tham chiếu là ổ mắt không bị chấn thương, và trên nền đó, thực hiện phương pháp in 3D phần sàn ổ mặt cần được tái tạo, đã giúp cho chúng ta có thể khắc phục được những khó khăn trên. Trên mô hình ổ mắt của người bệnh có thể thực hiện tạo dạng lưới titan trước; do đó, sẽ giúp tái tạo lại sàn ổ mắt một cách chính xác nhất và giảm đáng kể thời gian phẫu thuật.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện trên 19 bệnh nhân (11 nam, 8 nữ, tuổi từ 20 đến 42) được chẩn đoán chấn thương vỡ sàn ổ mắt đến điều trị tại khoa Phẫu thuật Hàm Mặt, bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM từ tháng 11/2021 đến tháng 03/2023. Kết quả cho thấy: Triệu chứng lâm sàng thường gặp: mất cân đối gò má 2 bên (94,7%), gờ bậc thang mất liên tục xương xung quanh bờ ổ mắt, cung tiếp (94,7%), chênh lệch độ nhô nhãn cầu (94,7%), chênh lệch hạ nhãn cầu là 17/19 (89,5%). Kết quả về chức năng: khi ra viện 10/19 (52,6%) tốt, 09/19 BN (47,4%) khá, sau 6 tháng, 18/19 (94,7%) tốt, 1/19 (5,25%) đạt khá. Kết quả về thẩm mỹ: khi ra viện 13/19 (68,4%) tốt, 06/19 BN (31,6%) khá, sau 6 tháng, 17/19 (89,5%) tốt, 1/19 (5,25%) khá.
Việc phẫu thuật tái tạo sàn ổ mắt bằng lưới titan tạo dạng trước trên mẫu in 3D mang lại kết quả vượt trội cả về chức năng và thẩm mỹ, với tỷ lệ thành công cao và không ghi nhận trường hợp nào phải chỉnh sửa lại lưới titan trong quá trình phẫu thuật. Phương pháp này không chỉ nâng cao độ chính xác mà còn tối ưu hóa thời gian và hiệu quả điều trị, mở ra triển vọng ứng dụng rộng rãi trong phẫu thuật chấn thương hàm mặt.
tnxmai
Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh - Số 01, Tập 28 (2025)