SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Nghiên cứu sự biến đổi một số chỉ tiêu sinh trưởng, sinh lý, sinh hóa của giống cam sành (Citrus nobilis Lour.) trong môi trường nhiễm mặn in vitro

[11/04/2025 16:47]

Cam sành (Citrus nobilis Lour.) là một trong các loại cây ăn quả đem lại giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Nhiều chất dinh dưỡng và các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học trong quả Cam sành giúp cải thiện sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Hiện nay, việc trồng trọt ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong đó có việc trồng cây Cam sành bị thiệt hại lớn do hạn mặn diễn ra ngày càng phức tạp. Nghiên cứu này khảo sát ảnh hưởng của stress mặn lên khả năng sinh trưởng của Cam sành trong điều kiện in vitro các nồng độ NaCl khác nhau (0, 1, 3, 5, 7 và 9 g/L).

Ảnh minh họa: Internet

Ngành trồng trọt là ngành sản xuất chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta, chiếm khoảng 75% giá trị sản lượng nông nghiệp hằng năm. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn quả có xu hướng tăng lên và đây là nhóm cây trồng đã có bước phát triển nhảy vọt, trong đó, Cam sành (Citrus nobilis Lour.) là cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao với hàm lượng các chất dinh dưỡng, vitamin C, các chất chống oxy hóa dồi dào,… giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại các loại bệnh tật.

Do biến đổi khí hậu như nước biển dâng, tăng nhiệt độ, khai thác nước ngầm quá mức để đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển, vùng sản xuất cây có múi lớn nhất nước ta là Đồng bằng Sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xâm nhập mặn và tình trạng này được dự báo sẽ diễn biến xấu hơn trong những năm tiếp theo. Trong thành phần các ion khoáng gây mặn cho đất, muối NaCl là nguyên nhân gây mặn chủ yếu. Xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề đến năng suất cam quýt vì ion Cl- đặc biệt độc đối với cây có múi. Mặn gây hạn sinh lý, stress thẩm thấu, stress ion và tạo ra các loại oxy phản ứng (Reactive Oxygen Species - ROS), từ đó làm rối loạn các quá trình sinh lý của cây, tổn thương các sắc tố quang hợp, giảm tỉ lệ trao đổi khí, hoạt động của enzyme, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của thực vật, kéo theo đó là sự suy giảm về năng suất và sinh khối của thực vật.

Thực tiễn trên cho thấy, việc tìm ra giống Cam chịu mặn đáp ứng cho việc trồng trọt ở các vùng đất bị nhiễm mặn là cần thiết. Để đáp ứng với stress của môi trường, cây trồng có những biến đổi về sinh lý, sinh hóa, hình thái, giải phẫu. Trong quá trình đánh giá khả năng chống chịu với stress mặn của cây trồng, việc quan sát các thay đổi về hình thái, sinh lý, sinh hóa của cây là rất quan trọng, qua đó giúp đánh giá mức độ thiệt hại do stress mặn gây ra cho cây trồng.

Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu về khả năng chịu mặn của các cây thuộc chi Citrus. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu đều tiến hành trong điều kiện thực địa hoặc thực hiện trên gốc ghép của cây thuộc chi Citrus; trong khi các nghiên cứu về cây Cam sành trong điều kiện nhiễm mặn in vitro còn hạn chế. Chính vì vậy, nghiên cứu sự biến đổi một số chỉ tiêu sinh trưởng, sinh lí, sinh hóa của Cam sành (Citrus nobilis Lour.) trong điều kiện stress mặn in vitro được thực hiện nhằm khảo sát khả năng chịu mặn của Cam sành dưới tác động của NaCl ở các nồng độ khác nhau, qua đó cung cấp cơ sở khoa học để áp dụng giải pháp phù hợp có thể hạn chế tác hại của mặn cho quy trình trồng cây Cam sành ở những vùng đất bị xâm nhập mặn.

Kết quả khảo sát cho thấy trong môi trường có nồng độ NaCl 9 g/L, hạt Cam không phát triển thành cây con in vitro. Các chỉ tiêu sinh lý gồm chiều cao cây, số rễ, chiều dài rễ, sinh khối tươi và sinh khối khô cùng cường độ quang hợp của cây Cam sành Citrus nobilis Lour. in vitro giảm theo chiều tăng nồng độ NaCl từ 1 g/L đến 7 g/L. Ngược lại, nồng độ muối càng cao, hàm lượng proline của cây Cam sành Citrus nobilis Lour. in vitro càng tăng. Khi quan sát hình thái giải phẫu rễ cho thấy, ở nồng độ muối cao xuất hiện hiện tượng lignin hóa và các cấu trúc dạng hạt nhiều hơn so với nghiệm thức đối chứng.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Thái Nguyên, T. 230, S. 01 (2025)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ