Vai trò của người trẻ trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo
Hiện nay, với tiến bộ nhanh chóng về kỹ thuật và công nghệ, thế hệ trẻ có vai trò quan trọng trong phát triển, thúc đẩy nền kinh tế thông qua ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Sự tham gia của thanh niên vào các hoạt động kinh tế sáng tạo là rất quan trọng để trong tương lai, những người trẻ tuổi có thể cạnh tranh trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Đây cũng là cơ hội trao quyền cho thanh niên có thể nêu gương trong cộng đồng, dám tham gia vào nền kinh tế sáng tạo hoặc thế giới kinh doanh theo tài năng của họ trong việc đạt được các giá trị xã hội và văn hóa. Đạt được mục tiêu này, ngoài việc tăng số lượng người trẻ trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, còn tạo ra sự tác động tích cực trong giải quyết các vấn đề xã hội như năng suất thấp, thất nghiệp, tội phạm và những vấn đề khác.

Tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đối với mỗi quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều có thể nhận thấy và được nhìn nhận dưới các góc độ khác nhau. Tuy nhiên, phạm vi của nghiên cứu này chủ yếu để phân tích các yếu tố tích cực và tiêu cực tác động đến người trẻ trong lĩnh vực phát triển của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như mở ra tiềm năng cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đối với người trẻ. Thời gian qua, sức mạnh của người trẻ trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam ngày càng được thể hiện: nhiều sản phẩm văn hóa “made in Vietnam” đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều nền tảng, nhất là công nghệ số, tạo dựng được niềm tin, sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Tiêu biểu như: Các sản phẩm điện ảnh, phim truyền hình, phim ngắn, nhiều bộ phim truyền hình ăn khách, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, lối sống của người Việt đã xuất hiện nhiều hơn, chiếm lĩnh “giờ vàng” vốn trước đây thuộc về các tác phẩm điện ảnh nước ngoài và đã nhận được sự hưởng ứng của khán giả. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều sản phẩm dạng phim ngắn, series phim ngắn, phim sitcom do các bạn trẻ sản xuất với những tình huống thú vị, mang lại những bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Những sản phẩm phim đồ họa 3D, 4D, phim hoạt hình giới thiệu về các triều đại lịch sử của dân tộc; về các phong tục, tập quán, lễ hội Việt Nam; các video trải nghiệm văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực. Những ý tưởng và mô hình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của thanh niên, tạo nên sự thu hút mạnh mẽ đối với cộng đồng và gặt hái được những thành công bước đầu. Thông qua đó, không chỉ góp phần quảng bá những giá trị văn hóa của Việt Nam trên trường thế giới, mà còn tạo nên những giá trị kinh tế to lớn từ những sản phẩm văn hóa. Tận dụng những công cụ có sẵn trên các nền tảng mạng xã hội (MXH), nhiều bạn trẻ đã xây dựng và thành công với việc quảng bá nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương trên không gian mạng. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên Việt Nam dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ để cải tiến đặc sản địa phương, cũng như khởi nghiệp từ văn hóa, du lịch trên chính quê hương mình...
Sự linh hoạt về mặt sinh học, văn hóa, xã hội cho phép khả năng sáng tạo không có bất kỳ hạn chế nào. Về bản chất, trí tưởng tượng của người trẻ sẽ là nguồn nguyên liệu sản xuất cho nền kinh tế. Sáng tạo luôn là tài sản lớn nhất của người trẻ. Vì vậy, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, nhờ có họ, trở thành một thị trường tiềm năng cho bất kỳ ngành kinh tế của mỗi quốc gia biết nhìn nhận và nắm bắt, biến nó thành nguồn tài sản vô giá. Nhận diện được các yếu tố tác động đến người trẻ trong ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển nền kinh tế của quốc gia đó.