SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Công nghiệp văn hóa và những thách thức

[18/04/2025 09:53]

Công nghiệp văn hóa được xem như một khâu đột phá trong chiến lược phát triển văn hóa, phát triển con người, giúp chúng ta phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh, nhằm thực hiện khát vọng đưa dân tộc phồn vinh, hạnh phúc, làm cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội. Ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo được công nhận là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động nhất trên toàn cầu. Trên thực tế, công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã mang đến cơ hội việc làm cho nhiều thanh niên tài năng và cũng như giảm tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Các ngành công nghiệp văn hóa thể hiện rõ xu thế kinh tế và văn hóa thấm sâu, thẩm thấu và hòa quyện vào nhau, là kết hợp của các yếu tố chính như: sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại. Từ đó có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa đem lại lợi ích kinh tế. Công nghiệp văn hóa là sự ứng dụng của những tiến bộ công nghệ - thông tin và kỹ năng kinh doanh, sử dụng nguyên liệu đầu vào là năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn trí tuệ, để tạo đầu ra là các sản phẩm - dịch vụ văn hóa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa ngày mạnh mẽ và đa dạng của người dân.

Quá trình toàn cầu hóa diễn ra không chỉ tác động về mặt kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nền văn hóa Việt Nam. Chúng ta đã và đang phải đối mặt với quá trình toàn cầu hóa văn hóa, sự cạnh tranh văn hóa, tranh giành ảnh hưởng giữa các nền văn hóa một cách mạnh mẽ. Nguồn nhân lực Việt Nam trẻ trung, năng động, có cá tính nhưng họ đang cần một bệ đỡ vững chắc để có thể đi một cách đường hoàng, đĩnh đạc. Hiện tại, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức. Sự nổi lên của nền tảng kỹ thuật số và dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu như TikTok, Netflix, YouTube, Spotify, các sàn giao dịch số…, cũng như các nền tảng truyền phát do địa phương phát triển đã thay đổi cách người dân tiêu thụ nội dung sáng tạo. Bên cạnh đó, xu hướng thương mại điện tử các sản phẩm văn hóa chiếm thị phần ngày càng tăng, phá vỡ các mô hình doanh thu truyền thống cho các ngành như âm nhạc, phim ảnh, truyền thanh và xuất bản... Người tiêu dùng và khán giả có xu hướng tiêu dùng trực tuyến nhiều hơn so với những năm trước.

Ở thách thức này, khía cạnh kỹ thuật số thậm chí không dừng ở mức là một hình thức truyền tải văn hóa từ người sáng tạo tới khán giả mà nó còn phản ánh những thay đổi lớn hơn về chuỗi chu trình sản xuất văn hóa. Chúng ta hiện đang đối mặt với một môi trường kỹ thuật số, nơi mà vai trò của cộng đồng, nghệ sĩ và khán giả đang có sự thay đổi nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị kỹ thuật số, các nền tảng số tạo thuận lợi cho hoạt động tương tác và can thiệp của các nhân tố trong chu trình này. Xu hướng này đang làm thay đổi chuỗi chu trình giá trị văn hóa từ sáng tạo cho tới tiêu thụ, đặt ra vấn đề các doanh nghiệp CNVH phải thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp. Chưa kể, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang là một thách thức đối với vai trò sáng tạo của nghệ sĩ và người thực hành văn hóa, nghệ thuật. AI đang trở thành lực lượng sáng tạo và quản lý nghệ thuật có sức ảnh hưởng lớn, có khả năng không chỉ thể hiện tốt các biểu đạt văn hóa mà còn có khả năng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật hay sản phẩm văn hóa xuất sắc. Một thách thức nữa là bảo vệ và khai thác có hiệu quả sở hữu trí tuệ. Các cơ chế về quyền tác giả và quyền liên quan không đủ để hỗ trợ cho sự phát triển các ngành CNVH mà đòi hỏi phải có hệ thống pháp lý và quản trị nhà nước đồng bộ, cơ chế thực thi hiệu quả về sở hữu trí tuệ để phản ánh phạm vi rộng về ngành và lĩnh vực CNVH như hiện nay.

Dù vậy, những thách thức trên cũng mở ra những cơ hội cho các ngành CNVH trong thời gian tới. Các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và nền kinh tế sáng tạo nói chung đã, đang có những đóng góp to lớn về cả phương diện kinh tế và phi kinh tế của nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam

 

 

 

https://ictvietnam.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ