Nỗ lực tự động hóa của Apple: Vận tải hàng không, thuế quan và tương lai sản xuất iPhone
Khi căng thẳng địa chính trị tiếp tục định hình lại thương mại toàn cầu, Apple không chỉ tái thiết kế iPhone mà còn phải tái cấu trúc toàn bộ mô hình sản xuất của mình.
Những báo cáo gần đây cho thấy công ty đã vận chuyển khẩn cấp một lượng lớn iPhone ra khỏi Trung Quốc bằng đường hàng không để tránh thuế quan, phản ánh áp lực ngày càng tăng trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng – và có khả năng mở rộng sản xuất gần hơn với thị trường nội địa.
Việc chuyển hàng bằng đường hàng không, với điểm đến là các thị trường như Ấn Độ và Việt Nam, cho thấy một sự thay đổi sâu rộng đang diễn ra. Apple đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc – không chỉ vì mục tiêu quản lý rủi ro chiến lược mà còn để tránh các chi phí và trở ngại gia tăng do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Mặc dù Apple chưa xác nhận chính thức các lô hàng khẩn cấp này, những người trong ngành cho biết nỗ lực né tránh thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ của công ty đang ngày càng gia tăng.
Tự động hóa trở thành ưu tiên chiến lược

Phía sau hậu trường, Apple đang đầu tư mạnh mẽ vào robot và tự động hóa với mục tiêu cắt giảm tới 50% sự phụ thuộc vào lao động thủ công. Các nguồn tin thân cận với chiến lược chuỗi cung ứng của Apple tiết lộ công ty đang âm thầm triển khai nhiều hệ thống robot hơn tại các trung tâm sản xuất trọng yếu – đặc biệt là trong các nhà máy đối tác như Foxconn ở Trung Quốc và Pegatron ở Ấn Độ.
Foxconn, đối tác lắp ráp lớn nhất của Apple, từ lâu đã dẫn đầu trong việc áp dụng tự động hóa công nghiệp. Tập đoàn Đài Loan này từng thử nghiệm robot hình người tại một số cơ sở và đang xây dựng các nhà máy “lights-out” – dây chuyền sản xuất tự động hoàn toàn, vận hành mà không cần nhiều sự giám sát của con người.
Apple có ảnh hưởng lớn đối với các nhà sản xuất hợp đồng và tự động hóa dường như là mục tiêu chung khi cả hai bên cùng tìm cách nâng cao hiệu suất và thích ứng với tình trạng thiếu lao động trên toàn cầu.
Sản xuất tại Mỹ: Vẫn quá tốn kém?
Mặc dù lời kêu gọi đưa sản xuất trở lại Mỹ ngày càng nhiều, nhưng Apple khó có khả năng chuyển hoàn toàn việc sản xuất iPhone về nước trong tương lai gần. Lý do không chỉ nằm ở chi phí – mà còn ở năng lực.
Vài năm trước, CEO Tim Cook của Apple đã đưa ra lời giải thích thẳng thắn về lý do công ty sản xuất tại Trung Quốc: “Bạn có thể lấp đầy nhiều sân bóng đá bằng số lượng kỹ sư và kỹ thuật viên cần thiết để vận hành hoạt động của chúng tôi tại đó.”
Điều này hoàn toàn không phóng đại. Trung Quốc đã phát triển một hệ sinh thái rộng lớn bao gồm các nhà cung cấp linh kiện, công ty chế tạo mẫu nhanh và hàng triệu công nhân kỹ thuật được đào tạo bài bản – khiến việc sản xuất điện tử quy mô lớn tại đây không chỉ rẻ hơn, mà còn nhanh hơn và linh hoạt hơn.
Ngay cả khi Apple tự động hóa được 50% công đoạn lắp ráp, việc chế tạo iPhone tại Mỹ vẫn rất khó khăn. Robot có thể thay thế các công việc lặp đi lặp lại, nhưng việc tích hợp phức tạp, điều chỉnh thiết kế theo thời gian thực và kiểm soát chất lượng cao vẫn cần sự tham gia của con người – điều mà lực lượng lao động kỹ thuật sẵn sàng cho nhà máy ở Mỹ không thể so sánh với các trung tâm như Thâm Quyến hay Thành Đô.
Thiếu hụt lao động và khoảng trống tài năng
Theo báo cáo của Deloitte, ngành sản xuất Mỹ có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt 2,1 triệu lao động kỹ năng vào năm 2030. Apple sẽ phải cạnh tranh không chỉ với các ông lớn công nghệ khác mà còn với ngành hàng không, ô tô và công nghiệp nặng để giành giật nhóm kỹ sư và kỹ thuật viên ngày càng khan hiếm này.
Chi phí lao động cao ở Mỹ càng làm giảm tính hấp dẫn của việc “hồi hương sản xuất”, trừ khi quá trình sản xuất trở nên gần như hoàn toàn tự động – điều mà vẫn còn cách xa nhiều năm nữa.
Chuyển hướng sang Ấn Độ và Việt Nam
Sự đa dạng hóa của Apple hiện rõ hơn ở khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, Ấn Độ đang nhận được nhiều sự chú ý khi Apple đẩy nhanh tốc độ lắp ráp iPhone tại địa phương. Các nhà phân tích dự đoán rằng trong vài năm tới, khoảng 25% iPhone có thể được sản xuất tại Ấn Độ – tăng mạnh từ mức chỉ 7% vào năm 2023. Việt Nam cũng đang trở thành trung tâm cung ứng linh kiện cho Apple, bao gồm cả AirPods và các phụ kiện khác.
Dù những quốc gia này chưa thể sánh với độ sâu về năng lực sản xuất của Trung Quốc, họ lại có những lợi thế khác – như chi phí lao động thấp và chính sách thương mại thân thiện. Tuy nhiên, tự động hóa vẫn là chìa khóa để mở rộng quy mô sản xuất tại các khu vực này mà không cần nhân lực khổng lồ như Trung Quốc.
Tương lai: Ít lao động, nhiều robot hơn
Mô hình sản xuất dài hạn của Apple có thể sẽ là sự kết hợp của nhiều yếu tố: sản xuất phân tán trên khắp châu Á, giảm phụ thuộc vào lao động thông qua robot, và sản xuất quy mô nhỏ tại Mỹ nhằm phục vụ yếu tố chính trị và các sản phẩm chuyên biệt như Mac Pro (có lẽ vì vậy mà giá của chúng rất cao).
Mục tiêu cắt giảm một nửa lao động trong chuỗi cung ứng của Apple không chỉ là bài toán kinh tế – đó còn là chiến lược thích nghi.
Trong bối cảnh hàng rào thương mại gia tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu bị phân mảnh, việc chuyển hướng sang tự động hóa là phương án sống còn với Apple, đồng thời là cách để tiết kiệm chi phí. Trong một thế giới đầy thuế quan, thiếu hụt nhân tài và bất ổn khu vực, robot có thể trở thành lực lượng lao động đáng tin cậy nhất của Apple.
https://roboticsandautomationnews.com/2025/04/18/apples-push-for-automation-airlifts-tariffs-and-the-future-of-iphone-manufacturing/89837/ (ptphuc - Lược dịch)