SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Công nghệ môi trường: Những rào cản về chính sách và thị trường

[21/04/2025 09:16]

Các startup đổi mới sáng tạo Việt Nam đã và đang chứng minh vai trò không thể thay thế của công nghệ trong tiến trình chuyển đổi xanh. Nhưng những rào cản chính sách và thị trường trong nước đang khiến nhiều giải pháp tiên phong bị chững lại, thậm chí chưa thể tìm được thị trường trong chính quốc gia chúng sinh ra.

Một số sản phẩm nhựa phân hủy sinh học thay thế đồ nhựa dùng một lần truyền thống: Ảnh: Buyo

Kinh doanh đường vòng

Buyo là startup đạt danh hiệu Quán quân tại cuộc thi Techfest Việt Nam 2023 và là một trong sáu startup Việt Nam được lựa chọn tham gia chương trình hỗ trợ P4G 2025 – một sáng kiến quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững toàn cầu.

Với mục tiêu biến phụ phẩm nông nghiệp thành loại vật liệu sinh học phân hủy để thay thế nhựa, Buyo cung hai giải pháp công nghệ sinh học nổi bật: một là phối trộn bã phụ phẩm với các loại bio-polymer đặc biệt để tạo ra vật liệu composite, dùng để sản xuất các sản phẩm thông dụng như bao bì, túi, muỗng, vỏ chai, ống hút; hai là lên men vi sinh bã thực phẩm để tạo ra các loại nhựa sinh học “tinh khiết” hơn, phù hợp cho các ứng dụng trong y tế như băng gạc, bao bì y tế, mặt nạ dưỡng da.

Buyo đã khẳng định được vị thế của mình với quốc tế bằng việc đạt được các chứng chỉ, tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu, Mỹ và xây dựng được mối quan hệ đối tác thương mại với các tập đoàn lớn trên thế giới. Công ty đã xây dựng một nhà máy công suất 10 tấn nhựa sinh học mỗi tháng tại TP.HCM.

Thế nhưng, có một nghịch lý là trong khi thị trường nước ngoài tích cực đón nhận sản phẩm của Buyo nhờ các cơ chế đấu thầu xanh, ưu đãi đầu tư và chính sách rõ ràng khuyến khích sử dụng vật liệu mới, đồng thời hạn chế nhựa truyền thống, thì ngay tại Việt Nam — nơi startup này ra đời — vẫn chưa có một hành lang chính sách đủ hấp dẫn để công nghệ xanh thực sự bám rễ và phát triển lâu dài.

Vì vậy, giống như nhiều startup trong lĩnh vực môi trường khác, Buyo chọn đi đường vòng xây dựng tên tuổi trên thị trường quốc tế trước, rồi mới quay lại chinh phục thị trường trong nước.

Điểm nghẽn chính sách

Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) thuộc Bộ KH&CN cho rằng có một số điểm nghẽn lớn đang ảnh hưởng trực tiếp đến hành trình thương mại hóa của các startup như Buyo.

Thứ nhất là cơ chế đấu thầu hiện vẫn ưu tiên giá rẻ, thay vì cân nhắc các yếu tố như môi trường hay an toàn người dùng. Điều này vô hình trung tạo ra áp lực lớn cho các startup xanh, khi chi phí sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường của họ không thể cạnh tranh ngang bằng với các sản phẩm nhựa truyền thống do quy mô thị trường nhỏ, hơn nữa lại phải gánh thêm chi phí đầu tư ban đầu và nghiên cứu phát triển lớn.

Thứ hai, tư duy chuyển đổi xanh chưa thấm sâu vào khu vực công. Việc áp dụng sản xuất và tiêu dùng xanh trong khu vực công hiện nay chủ yếu chỉ dừng lại ở lời nói, chưa có sự thay đổi cơ bản về tư duy, cũng như thiếu các chỉ số KPI cụ thể để đo lường “mức độ xanh” mà khu vực công cần đạt được trong mô hình sản xuất hoặc mua sắm công của mình. Điều này tạo ra khoảng cách lớn giữa kỳ vọng phát triển bền vững và hành động thực tế, đặc biệt là giữa khu vực công với khu vực tư nhân.

Thứ ba là thiếu vắng các chính sách bắt buộc chuyển đổi. Hiện không có quy định bắt buộc về sử dụng vật liệu sinh học, hay lộ trình cắt giảm nhựa truyền thống kèm theo biện pháp thực thi đủ mạnh để tạo lực đẩy cho thị trường. Vì vậy, các startup xanh vẫn phải tự bươn chải trên thị trường tự do mà không có đòn bẩy thể chế.

NSSC cảnh báo, nếu tiếp tục thiếu vắng các chính sách hiệu quả để ưu tiên công nghệ xanh bản địa, Việt Nam có thể khó đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong khi các startup tiên phong như Buyo sẽ mất dần cơ hội phát triển (hoặc có thể biến mất).
Bàn tay nhà nước

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, các quy định chung của Việt Nam về môi trường có vẻ đi đúng hướng nhưng thời gian chuyển tiếp lại chưa phù hợp.

Chẳng hạn, hồi năm 2020, Chính phủ đã ra Chỉ thị 33 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, trong đó nêu lên một mục tiêu cực kỳ tham vọng là “đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”. Tại thời điểm đó, người dân vứt bỏ túi nhựa sử dụng một lần trung bình khoảng 27 lần mỗi tuần, chiếm khoảng 8–12% tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt.

Dĩ nhiên, mục tiêu này không đạt được vì thời hạn đặt ra quá nhanh so với năng lực thực thi, trong khi các chính sách hỗ trợ cụ thể - như ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất bao bì thân thiện với môi trường hay cơ chế giám sát chất thải nghiêm ngặt - lại chưa được triển khai đồng bộ. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2023, túi nilon và đồ nhựa dùng một lần vẫn tràn lan ở hầu hết chợ, siêu thị, và mức độ thay thế chỉ mang tính tự nguyện, nhỏ lẻ.

Nghị định 08 sau đó, ban hành vào năm 2022 hướng dẫn những điều trong Luật Bảo vệ môi trường mới, đưa ra một mốc thời gian khả dĩ hơn: “Sau năm 2030, sẽ dừng hoàn toàn việc sản xuất và nhập khẩusản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa [...]”. Bên cạnh nỗ lực lập pháp này, Chính phủ cũng triển khai một Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, nhằm giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.

Điều này tạo ra một bước đệm tám năm quý giá để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược, tính toán lại chi phí, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế và kết nối với các đối tác cung cấp sản phẩm phù hợp. Khoảng thời gian tám năm cũng cho phép họ tận dụng các cơ hội đổi mới để phát triển bền vững hơn trong bối cảnh nhận thức của người tiêu dùng về môi trường và tính bền vững ngày càng rõ nét.

Báo cáo phân tích của Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, để tránh gây ra những tác động kinh tế đột ngột, việc cắt giảm nhựa dùng một lần nên được thực hiện theo từng giai đoạn, bắt đầu với các hạn chế và phí, sau đó dần dần tiến tới lệnh cấm.

Sau ba năm có hiệu lực, khi mục tiêu 2030 đang đến gần, các doanh nghiệp ngày càng kỳ vọng chính phủ có những hành động rõ ràng hơn. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Environmental Challenges phỏng vấn bán cấu trúc các doanh nghiệp xã hội và tổ chức phi chính phủ đang thực hiện những sáng kiến giảm sử dụng nhựa dùng một lần ở Việt Nam, tiết lộ rằng, trong khi các sáng kiến được vận hành tương đối ổn và thu được lượng cộng tác viên đáng kể - đôi khi lên tới hơn 2000 người - thì doanh nghiệp vẫn luôn phải đối mặt với những rào cản do thiếu nguồn lực.

Chính phủ đã tuyên truyền rất nhiều về việc kêu gọi người dân giảm thiểu và tái chế nhựa, nhưng họ không giúp chúng tôi thực hiện điều đó”, một nhà sáng lập doanh nghiệp xã hội, có bằng cử nhân, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn vào tháng 3/2024. Một giám đốc điều hành của một doanh nghiệp xã hội khác, với bảy năm kinh nghiệm và trình độ thạc sĩ, nhận xét: “Các chính sách hiện tại thiếu sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang bao bì thân thiện với môi trường”. Tất cả những người được phỏng vấn tin rằng kết quả của doanh nghiệp họ có thể được tăng cường nếu nhận được sự hỗ trợ đầy đủ hơn từ phía nhà nước — bao gồm việc cung cấp hạ tầng, hỗ trợ tài chính và thúc đẩy tích hợp công nghệ.

Trong bối cảnh nhựa truyền thống vẫn là lựa chọn mặc định vì rẻ, dễ tiếp cận và được sử dụng phổ biến, nếu chỉ trông chờ vào “bàn tay vô hình” của thị trường mà thiếu sự can thiệp kịp thời từ “bàn tay hữu hình” của nhà nước, thì rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn: không có chính sách hỗ trợ thì thị trường không thay đổi, mà thị trường không thay đổi thì công nghệ xanh không có đất phát triển, kéo theo việc sẽ không có những giải pháp thay thế hiệu quả ra đời.

www.khoahocphattrien.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ