Xuất bản Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để sớm trở thành công nghiệp xuất bản
Ngành xuất bản Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết giúp ngành xuất bản phát triển bền vững và tiệm cận với mô hình công nghiệp xuất bản hiện đại.
Thực trạng ngành xuất bản Việt Nam
Thành tựu
Xuất bản không chỉ là một ngành nghề kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế đất nước mà còn giúp bảo tồn và truyền bá các giá trị văn hóa, tri thức, nhằm nâng cao dân trí cho người dân Việt Nam. Những năm qua, số lượng đầu sách được xuất bản luôn tăng dần, theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2024, số đầu
xuất bản phẩm in ước đạt 41.000 xuất bản phẩm; số đầu xuất bản phẩm điện tử ước đạt 4.050 đầu, tăng 20,75% so với cùng kỳ năm 2023; số bản xuất bản phẩm in và điện tử ước đạt 557,5 triệu bản, bằng cùng kỳ năm 2023; Doanh thu lĩnh vực xuất bản ước đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Các đơn vị xuất bản từng bước ứng dụng công nghệ số, đặc biệt trong xuất bản điện tử và phân phối sách. Theo báo cáo của Statista, thị trường sách điện tử Việt Nam đạt doanh thu ước tính 10 triệu USD năm 2023, với tốc độ tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, số độc giả sử dụng sách điện tử thường xuyên sẽ vượt mốc con số trên 1,1 tỷ người dùng và sẽ dự kiến sẽ đạt 15,33 tỷ USD vào năm 2027. Đây vừa là minh chứng cho một phần của chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ, bởi chuyển đổi số không chỉ là xuất bản điện tử mà chuyển đổi số ngành Xuất bản đã và đang diễn ra ở mọi khâu của quy trình xuất bản.
Sự xuất hiện của các nền tảng sách trực tuyến như Waka, Alezaa, Vinabook… giúp tiếp cận độc giả số dễ dàng hơn. Đặc biệt năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt nền tảng cung cấp sách, báo thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin (Nền tảng Sách, báo quốc gia sachdientu.vn, ebook.gov.vn). Theo đó, Nền tảng được xây dựng với Cổng truy cập và phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động để đọc sách điện tử và báo điện tử. Cổng truy cập có chia 2 phân hệ để đăng tải sách điện tử và báo điện tử riêng biệt. Sách điện tử được sắp xếp theo theo từng chương trình/đề án để bạn đọc tiện theo dõi, tìm đọc. Báo điện tử được sắp xếp theo thứ tự của các cơ quan báo chí.
.jpg)
Đối với sách điện tử, Nền tảng cho phép xuất bản và đăng tải dưới nhiều dạng sách điện tử, gồm: sách đa phương tiện, sách nói và sách điện tử thông thường. Đối với báo điện tử, Nền tảng cho phép xuất bản và đăng tải nhiều dạng báo điện tử như: Mega Story, Timeline, Ảnh, Infographic,… và các dạng báo điện tử thông thường.
Ngoài những thành tựu nổi bật trên, để từng bước theo nhịp đập của xuất bản thế giới, xuất bản Việt Nam luôn chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nền công nghiệp xuất bản phát triển. Hàng năm Việt Nam đều tham gia các hội sách lớn quốc tế như Hội chợ sách quốc tế Frankurt, Hội sách quốc tế Cuba…
Bên cạnh đó, Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả, ý nghĩa khác như: Làm việc với Tổng cục Công nghiệp Văn hóa và Truyền thông, Bộ Văn hóa Pháp; Làm việc với Trung tâm Sách quốc gia Pháp; làm cầu nối và tổ chức gặp gỡ giữa nhà xuất bản Armand Collin với một số nhà xuất bản Việt Nam nhằm trao đổi và thương lượng bản quyền; Làm việc và trao tặng sách cho Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt; Tham gia các hội thảo; Làm việc với Tổng Giám đốc Ban Tổ chức hội chợ sách quốc tế Frankfurt, Hội Xuất bản Hàn Quốc, Hội Xuất bản Malaysia, Hội Xuất bản Singapore, Hiệp hội xuất bản ASEAN… Tham dự Hội nghị thường niên Tổ chức Mã số sách chuẩn quốc tế ISBN 2024 tại Cộng hoà Pháp…
Hạn chế
Bên cạnh mặt tích cực và những thành quả đạt được, xuất bản Việt Nam cũng còn những hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu đọc đa dạng của xã hội, chất lượng sách và dịch vụ xuất bản chưa cao, công nghệ và trình độ kinh doanh còn thấp. Chưa có chiến lược tổng thể về chuyển đổi số trong ngành xuất bản. Nhiều doanh nghiệp xuất bản vẫn dựa vào mô hình truyền thống, thiếu sự đổi mới. Hệ thống bản quyền số và bảo vệ quyền tác giả còn chưa hoàn thiện. Theo thống kê của Hội Xuất bản Việt Nam, có đến 70% nội dung sách điện tử bị vi phạm bản quyền dưới nhiều hình thức. Hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, gây khó khăn trong việc phân phối và tiếp cận độc giả…
Theo tiêu chuẩn của Unesco, GDP của ngành xuất bản phải chiếm 0,1% cả nước, như vậy việc xây dựng ngành xuất bản thành ngành công nghiệp hoàn toàn có cơ sở. Dựa vào niềm tin đó, để nắm chắc cơ hội mà cuộc Cách mạng 4.0 mang tới, xuất bản phải kiến tạo được Hệ sinh thái cho xuất bản Việt Nam, để xuất bản Việt Nam sớm trở thành ngành công nghiệp. Muốn làm được điều đó thì việc ứng dụng hiệu quả những thành tựu của khoa học công nghệ là yếu tố cốt lõi - chìa khóa mở ra kỷ nguyên mới cho ngành xuất bản.
.jpg)
Xu hướng ứng dụng khoa học công nghệ trong xuất bản
Chuyển đổi số và xuất bản điện tử
Ứng dụng công nghệ số là bước phát triển tất yếu của ngành Xuất bản không chỉ bởi thói quen đọc sách của độc giả đã một phần thay đổi gắn với những thiết bị thông minh, những máy đọc sách ngày một tiện dụng mà trong cả quy trình sáng tạo tác phẩm, biên tập đến in ấn và phát hành đến tay bạn đọc những cuốn sách giấy truyền thống đều đang có một sự dịch chuyển quan trọng.
Hiện nay, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào xuất bản, dịch thuật tự động, phân tích hành vi đọc của người dùng đang ngày một phổ biến. Nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) tuy có thể không thay thế hoàn toàn được lao động sáng tạo của con người nhưng ngày càng có nhiều người trong ngành Xuất bản nói rằng AI đang có tác động tích cực đến việc chỉnh sửa và xuất bản sách bằng cách làm cho toàn bộ quá trình hiệu quả và chính xác hơn; từ đó, tạo nên cuộc cách mạng trong biên tập sách cũng như ngành xuất bản.
Công nghệ AI đang nhanh chóng nâng cao hiệu quả của quy trình, cho phép các biên tập viên và nhà xuất bản xác định lỗi nhanh chóng và chính xác, phát hiện đạo văn và tạo báo cáo.
Các thuật toán AI giờ đây có thể được sử dụng để so sánh các bản thảo với một thư viện khổng lồ các tác phẩm đã xuất bản, giúp các biên tập viên dễ dàng xác định hành vi đạo văn trong sách hơn. Công nghệ AI cũng cung cấp các công cụ để viết bản tóm tắt tốt hơn và đánh giá sở thích của người đọc.
Trong lĩnh vực in xuất bản phẩm, việc đầu tư hiện đại hóa ngành tiếp tục được đẩy mạnh. Tự động hóa quy trình làm việc cùng với việc sử dụng các giải pháp đám mây (iCloud), dữ liệu lớn (Big Data) là những đòn bẩy quan trọng để giảm chi phí. Mức độ tự động hóa cao trong sản xuất và trong các quy trình hỗ trợ tại văn phòng sẽ giúp các doanh nghiệp in đạt được vị thế kinh tế. Môi trường “kết nối mạng thông minh”, sử dụng các dịch vụ và các giải pháp công nghệ thông tin được quản lý bởi các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí và tăng cường tính linh hoạt trong quy trình sản xuất kinh doanh. Điều này quan trọng không bởi chỉ vì tự động hóa có thể thực hiện những nhiệm vụ đôi khi mang tính chất con người này trong một khoảng thời gian ngắn, giảm chi phí lao động, chi phí thời gian mà còn giảm khả năng xảy ra lỗi chủ quan của con người.
Trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, ứng dụng thương mại điện tử và phát hành sách trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội đang là xu hướng chính trong kinh doanh xuất bản phẩm. Cùng với đó, phát hành xuất bản phẩm điện tử có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ AI vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả ấn tượng. Theo báo cáo của trang nghiên cứu Grand View Search, năm 2021 thị trường sách đạt giá trị khoảng 2,67 tỷ USD. Sách nói đang phát triển cực mạnh và sẽ đạt giá trị 15 tỷ USD vào năm 2027.
Tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử tiếp tục gia tăng với sự hợp tác chặt chẽ cùng các doanh nghiệp công nghệ đã cho thấy tính hiệu quả cùng sự tăng trưởng ấn tượng của một số start up như công ty WeWe với ứng dụng nghe sách nói Voiz FM, Công ty CP Fonos với nền tảng sách điện tử Fonos, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giải pháp công nghệ V&V với các nền tảng quảng bá và phát hành sách trên Internet… cùng nhiều doanh nghiệp khác đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.
Ứng dụng blockchain để bảo vệ bản quyền
Trong hoạt động xuất bản, áp dụng công nghệ blockchain để bảo vệ bản quyền và chống vi phạm tác quyền là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay, bởi công nghệ blockchain có tác dụng lưu trữ các dữ liệu lớn liên quan như thời gian, địa điểm và nhận dạng của người sáng tạo nội dung. Dữ liệu trên nền tảng blockchain được bảo vệ bằng mật mã nên sẽ giúp tác giả bảo vệ sản phẩm của mình không bị vi phạm hoặc ăn cắp bản quyền.
Ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data)
Big Data không chỉ là một xu hướng công nghệ mà còn là chìa khóa mở ra kỷ nguyên của sự hiểu biết sâu sắc và quyết định chính xác. Với khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ trong thời gian ngắn, Big Data giúp các doanh nghiệp xuất bản tối ưu hóa chiến lược, nắm bắt xu hướng thị trường và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Ngành xuất bản cần tận dụng dữ liệu lớn để phân tích xu hướng đọc sách, tối ưu hóa nội dung xuất bản; Xây dựng hệ thống khuyến nghị sách cá nhân hóa dựa trên thói quen đọc của khách hàng; Nâng cao khả năng tiếp cận độc giả bằng cách dự đoán xu hướng đọc và nhu cầu sách trong tương lai.
Thương mại điện tử và tiếp thị số
Kết hợp các nền tảng thương mại điện tử để phân phối sách hiệu quả hơn. Theo báo cáo của Nielsen, 60% sách bán ra tại Việt Nam năm 2023 đến từ các kênh thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada.
Sử dụng các công cụ tiếp thị số (Digital Marketing) để quảng bá sách đến độc giả mục tiêu.
Tích hợp công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để nâng cao trải nghiệm đọc sách.
Đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá trên các nền tảng trực tuyến nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng sách điện tử.
Giải pháp thúc đẩy ngành xuất bản trở thành công nghiệp xuất bản
Để xuất bản Việt Nam sớm trở thành ngành công nghiệp, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp như:
Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ
Đơn giản thủ tục hành chính và cấp phép: Cơ quan quản lý tham khảo mô hình quản lý xuất bản của các nước để giảm bớt các thủ tục hành chính trong việc cấp phép phát hành để tăng tính chủ động và chịu trách nhiệm đối với các nhà xuất bản và công ty liên kết xuất bản.
Xuất bản sách điện tử: Cơ quan quản lý phổ biến rõ các thủ tục hành chính cấp phép trong việc kinh doanh xuất bản phẩm điện tử; trong việc báo cáo xử lý khi phát hiện sai phạm trong phát hành ấn phẩm điện tử (Ebook, audiobook, nội dung số…) Tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử vẫn đang diễn biến rất phức tạp, ngăn cản một thị trường sách điện tử lành mạnh phát triển. Các file sách điện tử được phát tán miễn phí trên rất nhiều diễn đàn, trang mạng trong và ngoài nước, không chỉ làm thiệt hại trực tiếp cho tác giả và đơn vị xuất bản mà còn hủy hoại thị trường sách điện tử đang mới hình thành nói riêng và hủy hoại thị trường xuất bản nói chung.
Trao quyền nhiều hơn cho đơn vị liên kết xuất bản: Thừa nhận vai trò và trách nhiệm của đơn vị liên kết xuất bản; các đơn vị liên kết được phép đệ trình đơn trực tiếp lên cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện các hành vi vi phạm trong việc phát hành sách giả, sách lậu.
Xây dựng Quỹ Hỗ trợ dịch thuật sách quý, giá trị để hỗ trợ dịch thuật tiếng Việt ra các ngôn ngữ khác, nhằm quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam với thế giới…
Các hiệp hội đưa ra những quy chế hoạt động cho các đơn vị thành viên, bảo vệ các hoạt động kinh doanh lành mạnh của các thành viên trong Hội (Bài trừ sách lậu sách giả - sách giấy/sách số, tổ chức các hoạt động khuyến đọc.)
Khuyến khích việc xuất bản sách hay, sách có giá trị, sách của tác giả Việt trẻ.
Các đơn vị xuất bản cần phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số; nâng cao chất lượng bản thảo qua sự chủ động, tích cực tìm kiếm những đề tài giá trị đáp ứng kịp thời nhu cầu của người đọc trên các nền tảng công nghệ mới.
Tạo ra các sân chơi cùng với các đơn vị xuất bản quốc tế: Bằng việc tổ chức các hội sách quốc tế một cách chuyên nghiệp chúng ta đã và đang thu hút sự quan tâm của xuất bản thế giới. Tại đó Việt Nam có cơ hội để giới thiệu các tác phẩm và tác giả Việt Nam tới các bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó việc hiện diện tại các hội sách quốc tế như Frankfurt, Beijing, London… đã tạo ra những chú ý tích cực tới xuất bản Việt Nam.
Kênh truyền thông báo chí, truyền hình: Tiếp cận đa chiều tới độc giả, giáo dục tới người dân về việc tôn trọng bản quyền tác giả tác phẩm; khuyến khích việc đọc và biến việc đọc trở thành một nét đẹp văn minh của người Việt Nam.
Đặc biệt, hiện nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ số, Nhà nước cần ban hành chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành xuất bản. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp xuất bản tham gia vào các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số của Chính phủ.
Đầu tư hạ tầng công nghệ
Xây dựng hệ thống xuất bản số đồng bộ, đảm bảo tính kết nối giữa các nhà xuất bản và kênh phân phối.
Tăng cường đào tạo nhân lực về công nghệ số trong lĩnh vực xuất bản.
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất bản tiếp cận nguồn vốn đầu tư công nghệ, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo.
Hợp tác và đổi mới sáng tạo
Khuyến khích hợp tác giữa nhà xuất bản, công ty công nghệ và các đơn vị giáo dục để tạo ra sản phẩm số chất lượng.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới vào quy trình xuất bản.
Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành xuất bản Việt Nam không chỉ giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động mà còn là chìa khóa để chuyển đổi sang mô hình công nghiệp xuất bản hiện đại. Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan nhằm xây dựng một hệ sinh thái xuất bản bền vững và phát triển. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất bản cần chủ động hơn trong việc áp dụng công nghệ, tạo ra những mô hình kinh doanh mới phù hợp với thời đại số.
Tạp chí Thông tin và Truyền thông (htquyen)