SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Nạn bạo lực trong xã hội hiện nay

[23/04/2025 13:42]

Bạo lực trên cơ sở giới là một vấn đề tồn tại nhức nhối và dai dẳng trong xã hội, đã gây bao đau khổ, tổn thương và thiệt hại cho nhiều người, kể cả trực tiếp và gián tiếp. Trong xã hội hiện đại, thì việc bạo lực không dừng lại bằng việc tổn thương thể xác mà nó còn thông qua nhiều phương thức như sự tấn công tinh thần. Chính vì vậy, xã hội phát triển, văn minh và tiến bộ cần hướng đến tìm các biện pháp để phòng ngừa, hạn chế và dần tiến tới xóa bỏ các hình thức bạo lực trên cơ sở giới. Một trong những công cụ quan trọng có thể được sử dụng để thực hiện mục tiêu này chính là ứng dụng truyền thông.

Bạo lực gây nên sự tổn thất, đau khổ, tổn thương, đặc biệt là cho bên bị bạo lực. Bên cạnh đó, có những thành phần tuy không tham gia trực tiếp vào bạo lực nhưng cũng có thể chịu thiệt hại do hoạt động bạo lực gây ra. Ví dụ, đứa trẻ chứng kiến cảnh cha bạo hành mẹ đối diện nguy cơ tổn thương tinh thần. Do đó, một xã hội văn minh, tiến bộ và nhân văn cần tìm cách hạn chế và tiến đến loại bỏ bạo lực, sử dụng các biện pháp thay thế khác để tạo nên sự thay đổi cần thiết mà không gây những tổn thương, đau khổ cho những con người vô tội. Bạo lực có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Bạo lực có thể diễn ra về mặt thể chất, tinh thần, tâm lý, ngôn từ. Người ta đã nói nhiều đến chiến tranh, những kẻ phạm tội cướp giật, bạo lực gia đình… Trong thời đại 4.0, đã xuất hiện một hình thức mới của bạo lực, đó chính là bạo lực mạng. Một trong những dạng bạo lực truyền thống chính là bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là nhắm vào nữ giới, nhóm người được coi là “chân yếu tay mềm” trong xã hội. Đặc biệt, thời đại số đang tạo điều kiện cho bạo lực mạng có cơ hội nhằm vào nhiều nhóm người, trong đó có những nhóm giới yếu thế như bé gái, phụ nữ. Sự kết hợp của bạo lực mạng và bạo lực trên cơ sở giới càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp, nặng nề, có khả năng gây tổn thương lớn hơn với những nạn nhân của nó. Bạo lực thường không tự nhiên bùng phát mà thường có yếu tố kích động bạo lực. Nguyên nhân sâu xa của bạo lực có thể là sự xung đột về lợi ích hoặc sự khác biệt, mâu thuẫn về mong muốn, nhu cầu giữa các bên. Ngày nay, xã hội đã văn minh hơn, phát triển hơn, luật pháp đã có nhiều quy định tiến bộ về bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, Nhà nước ta và nhiều tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể nhằm phòng ngừa, ứng phó nạn bạo lực trên cơ sở giới, song những hành vi bạo hành với phụ nữ vẫn còn xuất hiện, gây đau khổ, tổn thương cho phụ nữ và những nhóm giới yếu thế. Thông tin về những vụ án chồng đánh vợ hoặc người tình nam giới bạo hành phụ nữ thường xuyên xuất hiện trên báo chí trên thế giới, báo chí Việt Nam. Điều này đặt ra câu hỏi nhức nhối về nguyên nhân và giải pháp để hạn chế hiện tượng xã hội tiêu cực này.

Việc truyền thông hạn chế bạo lực giới cần là sự tổng hợp của nhiều phương pháp truyền thông và được thực hiện một cách kiên trì qua nhiều năm tháng. Chiến lược truyền thông thích hợp và kế hoạch lâu dài được thực hiện hiệu quả giúp hạn chế bạo lực trên cơ sở giới nhằm giảm bớt những đau khổ, tổn thương với các nhóm giới yếu thế, làm cho xã hội ngày càng nhân văn hơn, văn minh, tiến bộ hơn. Mặt khác, hạn chế bạo lực giới cũng là một chìa khóa giải phóng nguồn lực con người, đặc biệt là nguồn lực của người phụ nữ để họ có cuộc sống hạnh phúc, bình an, tốt đẹp, được hưởng những quyền lợi công bằng trong xã hội và có điều kiện cống hiến cho sự phát triển của xã hội. Khi tất cả mọi người trong xã hội không phân biệt giới tính đều được đảm bảo sống trong an toàn, được bảo vệ và tôn trọng nhân phẩm, danh dự, thể chất thì đó là một minh chứng rõ rệt cho một xã hội phát triển, văn minh, tiến bộ và và giàu tính nhân đạo.

https://hoiphunu.hagiang.gov.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ