SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Giá trị văn hóa trong thời đại chuyển đổi số

[24/04/2025 08:12]

Trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 vào công tác bảo tồn di tích là hết sức cần thiết. Đây sẽ là cầu nối đưa các di tích đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa này đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu thực hiện công tác bảo tồn di tích cũng như cần có những công cụ, phương thức quản lý khoa học, hiện đại để vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, vừa khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị của văn hóa, di sản, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc ứng dụng CNTT, CĐS là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống. Trên thế giới, công nghệ thực tế ảo đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực bảo tồn di tích, đặc biệt trong việc tái hiện, phục dựng các di tích, thắng cảnh đến nay không còn quá mới mẻ. Hầu hết các di tích lớn như: đấu trường La Mã, các lăng tẩm Ai cập cổ đại, cố đô Nara (Nhật Bản), Đại Minh cung (Trung Quốc), đền Ananda Ok Kyaung (Bagan, Myanmar), cung điện Al Azem Palace (Damascus, Syria), thành phố cổ Chichen Itza (Mexico)... đều đã ứng dụng công nghệ này. Gần đây, việc nghiên cứu xây dựng mô hình phục dựng điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long) phục vụ công tác phục dựng cũng thu hút đông đảo người quan tâm. Cùng với đó, việc triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn di tích còn khá mới mẻ, chưa có đội ngũ nguồn nhân lực thành thạo CNTT để đáp ứng công việc và thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn di tích. Chiến lược phát triển văn hóa khẳng định quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thích ứng xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại... Các địa phương có di sản nổi tiếng cũng bước đầu vượt khó, nỗ lực tiếp cận thành quả công nghệ mới trong việc tạo ra các giá trị gia tăng bền vững từ di sản. Bên cạnh những thuận lợi, cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Nền tảng công nghệ của Việt Nam nói chung và của các địa phương có di sản chưa phải là thế mạnh với hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chuyển đổi số đã được số hóa về di sản còn mỏng. Số hóa tiến tới chuyển đổi số di sản là xu hướng tất yếu và là một trong những giải pháp nhằm tối ưu lưu trữ, bảo tồn, và phát huy giá trị các di sản hiện nay và hướng tới phát triển du lịch thông minh, đưa di sản đến gần hơn với du khách và người dân. Trước mắt để triển khai việc số hóa trong lĩnh vực bảo tồn di tích cần thực hiện việc xây dựng hệ thống các tiêu chí lựa chọn giải pháp số hóa với các di tích và hệ thống yêu cầu về kỹ thuật đối với từng loại hình dữ liệu. Để quảng bá và thu hút khách, ứng dụng công nghệ là giải pháp được nhiều đơn vị bảo tàng, khu di tích triển khai trong thời gian qua. Đây là bài toán để các điểm đến cân nhắc, lựa chọn công nghệ và thường xuyên cập nhật để bắt kịp xu thế tất yếu của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số có thể làm thay đổi phương pháp lưu trữ, quảng bá, tạo ra công cụ hữu hiệu gia tăng cơ hội tiếp cận các giá trị di sản, các sản phẩm văn hóa, qua đó vừa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vừa sáng tạo giá trị mới, các sản phẩm văn hóa mới trên môi trường số.

http://vanhoanghethuat.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ