SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Cuộc chiến công nghệ số - không để ai bị bỏ lại phía sau

[24/04/2025 08:22]

Cách mạng số đang tạo ra những tác động mạnh mẽ và sâu rộng tới hầu hết các lĩnh vực trong xã hội. Nếu không có các chiến lược toàn diện, các đối tượng như người dân tộc thiểu số, người nghèo và người khuyết tật sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Do đó, việc tìm kiếm và triển khai các giải pháp tích cực nhằm đảm bảo cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ công nghệ số cho những cộng đồng yếu thế là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Đây là những nhóm gặp khó khăn hơn về kinh tế và xã hội, do đó việc tăng cường độ bao phủ, khả năng tiếp cận và đảm bảo chi phí phù hợp sẽ là một bước tiến lớn. Chính sách chung áp dụng cho tất cả mọi người có thể đảm bảo sự tiếp cận cơ bản với hạ tầng, công cụ và nền tảng số. Tuy nhiên, các nhóm yếu thế khác nhau lại có nhu cầu khác nhau, và chính sách cần được thiết kế để đáp ứng những nhu cầu đặc thù này. Ví dụ, với người khuyết tật, chính sách cần được xây dựng để phù hợp với các dạng khuyết tật khác nhau, đồng thời phải mang tính toàn diện và được theo dõi thường xuyên, việc hiểu rõ nhu cầu của các nhóm yếu thế rất quan trọng, từ đó xây dựng chính sách không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn phù hợp với mong muốn của họ. Triển khai các chương trình cụ thể nhằm tăng sự tham gia của các nhóm yếu thế vào quá trình phát triển kinh tế số và chuyển đổi số. Hạ tầng và chính sách chỉ là điều kiện nền tảng, nhưng để thực sự tác động, cần có những sáng kiến cụ thể để người khuyết tật thực sự tham gia vào các hoạt động. Những sáng kiến này đã được nhiều quốc gia thực hiện ở các mức độ khác nhau, kể cả những nước phát triển như Mỹ, Ý hay Thụy Điển. Để tăng sự hòa nhập và thúc đẩy sự tham gia của các nhóm yếu thế vào lộ trình chuyển đổi số, chúng ta cần triển khai các chương trình cụ thể và tập trung vào từng nhóm đối tượng riêng biệt, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.Nếu không chú trọng đến người khuyết tật khi phát triển công nghệ, xây dựng thành phố phát triển, chính các giải pháp công nghệ hiện đại có thể tạo thêm rào cản cho cộng đồng này. Hiện nay, cộng đồng người khuyết tật phải đối mặt với ba rào cản chính. Thứ nhất là trải nghiệm cá nhân, khi những định kiến hoặc thiếu nhận thức từ cộng đồng khiến họ cảm thấy bị tách biệt. Thứ hai là rào cản về cơ sở hạ tầng và dịchvụ, với nhiều công trình công cộng chưa đảm bảo khả năng tiếp cận, như thiếu lối đi cho xe lăn hoặc không có thiết bị hỗ trợ nghe nhìn. Cuối cùng là rào cản từ chính sách đến thực thi, khi các chính sách hỗ trợ dù đã có nhưng việc triển khai thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Một ứng dụng thiếu tính năng trợ năng, một giao diện phức tạp hoặc một hệ thống giao thông công cộng không phù hợp sẽ khiến người khuyết tật cảm thấy bị “đẩy ra bên lề xã hội” và khó hòa nhập. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả, mà còn đi ngược lại tinh thần phát triển bao trùm. Công nghệ không chỉ cần hiện đại mà còn phải “thông minh” trong cách phục vụ con người. Các sáng kiến cần đặt trọng tâm vào sự hòa nhập và kết nối, đảm bảo rằng mọi người, từ trẻ em, người già đến người khuyết tật, đều được hưởng lợi. Việc thúc đẩy thiết kế và phát triển công nghệ phục vụ người khuyết tật là điều cần thiết, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên. Đầu tiên, các doanh nghiệp cần ưu tiên phát triển các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật, đồng thời đảm bảo thiết kế thân thiện trên mọi trang web hay nền tảng, ví dụ như cải thiện giao diện, bổ sung ngôn ngữ và tính năng trợ năng phù hợp.

Để khuyến khích điều này, Nhà nước nên ban hành các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, chẳng hạn như ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn, và xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế bắt buộc cho sản phẩm công nghệ nhằm đảm bảo tính tiếp cận. Đồng thời, cộng đồng cần nâng cao nhận thức, tích cực hỗ trợ người khuyết tật trong việc tiếp cận công nghệ mới và học các kỹ năng số cần thiết. Tháo gỡ khó khăn cho người khuyết tật không thể chỉ là trách nhiệm của một nhóm riêng lẻ mà cần sự phối hợp từ nhiều phía. Những giải pháp đồng bộ này không chỉ giúp người khuyết tật hòa nhập tốt hơn mà còn khai thác tối đa tiềm năng của họ, góp phần tích cực vào sự phát triển của xã hội

 

https://vienkiemsat.cantho.gov.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ