Đưa dụng dịch vụ công trực tuyến đến người dân
Việt Nam đã đầu tư rất lớn vào các hoạt động chuyển đổi số và xây dựng xã hội công nghệ số. Các cổng dịch vụ công đã được xây dựng và cung cấp đa dạng, các loai hình dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng các DVCTT vẫn còn thấp việc hỗ trợ người dân tiếp cận DVCTT là vấn đè rất cấp thiết

Lý giải việc tỷ lệ người dân tiếp cận các cổng DVCTT còn thấp, có rất nhiều lý do và một trong những lý do căn bản nhất là thiếu đầu tư cho cấp xã, nơi sát với dân nhất. Hiện nay chúng ta mới chỉ tập trung đầu tư cho cấp tỉnh và trung ương nhưng phần tương tác thường ngày với người dân lại chưa được chú trọng. Để thực hiện được dịch vụ công trực tuyến như hiện nay, người dân tối thiểu cần: Có điện thoại thông minh và biết sử dụng các tính năng: Tìm kiếm cổng thông tin, nhập văn bản, lưu tệp và tải lên tệp, hiểu được các thao tác trên trang web; Có mạng Internet; Biết đọc và viết tiếng Việt. Biết tên các loại giấy tờ. Các yếu tố trên làm bài toán nâng cao hiệu quả và khả năng tiếp cận DVCTT của người dân trở nên phức tạp, có nhiều vấn đề và nhiều bên liên quan. Với mỗi góc nhìn khác nhau, có thể thấy vấn đề khác nhau. Các khó khăn của người dân khi thao tác trên cổng DVC trên giao diện điện thoại: Người dân không biết phải nhấn vào đâu để đăng nhập; Người dân không biết tên chính xác của thủ tục, chỉ cần nhập sai 1 ký tự là không tìm được thủ tục; Nhiều khu vực trên giao diện chữ bị khuất khiến người dân không biết chọn thủ tục nào. Việc giải quyết những vấn đề bất cập này sẽ tăng khả năng tiếp cận DVCTT cho người dân, đồng thời cải thiện cổng dịch vụ công để người dân có thể sử dụng được dễ dàng hơn. DVCTT mang lại thuận lợi cho chính quyền và người dân và là xu hướng tất yếu trong xã hội hiện đại. Trong bối cảnh thực tiễn hiện nay, để người dân tiếp cận với DVCTT dễ dàng hơn, sử dụng DVCTT ngày càng nhiều hơn, rút kinh nghiệm sau 1 năm triển khai, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp: cần ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất CNTT cho cấp xã, nhất là những xã còn nhiều khó khăn, dân cư thưa và nhiều cư dân là đồng bào dân tộc sinh sống. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin cho công chức cấp huyện, cấp xã. Đơn giản hóa hệ thống biểu mẫu cần kê khai sau khi đã xây dựng được cơ sở dữ liệu người dùng; khuyến khích người dùng kê khai đầy đủ lần đầu để khi quay trở lại hệ thống tự động gọi dữ liệu người dùng. Thường xuyên theo dõi tần suất thực hiện ở từng xã, phường, thị trấn trong mỗi đơn vị huyện để nắm rõ nhu cầu ở địa bàn phòng Tài nguyên và Môi trường huyện/thành phố phụ trách. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, phù hợp với các nhóm trong xã hội để người dân biết và sử dụng DVCTT. Thực hiện các video, clips hướng dẫn cách sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và cách thức thực hiện những TTHC phổ biến bằng ngôn ngữ đồng bào thiểu số chính trong tỉnh nhằm hỗ trợ người dùng hiệu quả. Phối hợp cung ứng DVC trực tiếp đến tận thôn, bản (dịch vụ hành chính công lưu động) nhằm hỗ trợ người dân ở các vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng “lõm” chưa được tiếp cận điện lưới và Internet. Huy động cán bộ Đoàn Thanh niên tham gia hỗ trợ người dùng ở bộ phận Một cửa cấp xã và dịch vụ lưu động đến thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng chưa phủ sóng Internet, 4G, vùng lân cận khu vực phá sóng Internet. Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc các quy trình thực hiện và cần lấy người dùng làm trung tâm. Mô hình hóa các bước thực hiện TTHC cho dễ nhận biết, dễ hiểu, niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; niêm yết sơ đồ tại các nhà văn hóa thôn, bản hoặc giao đầu mối thông tin cho trưởng thôn, trưởng bản.
Xu hướng số hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn thế giới và ở Việt Nam khiến việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trở thành tất yếu, là xu thế không thể đảo ngược. Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển DVCTT. Những nơi còn rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, có thể làm được, thì các tỉnh khác cũng có thể làm được.