Người nông dân trong thời đại công nghệ số
Trong kỷ nguyên công nghệ số phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, để đảm bảo sự phát triển bền vững trong xu thế số hoá kinh tế cũng như sự chuyển dịch các hoạt động giao thương trên môi trường Internet bao gồm cả hoạt động thương mại, kinh tế nông nghiệp thì phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trở nên bức thiết.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cũng là tiền đề để nâng cao ý thức người nông dân chú trọng mở rộng quy mô sản xuất, gắn nhãn sản phẩm, đảm bảo các quy trình sản xuất an toàn, gia tăng cơ hội tiếp cận các thị trường mới cũng như nâng cao giá trị nông sản, đặc sản Việt Nam trên môi trường số. Như vậy, có thể thấy, kinh tế số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu để phát triển toàn diện nền kinh tế. Bản chất của SXNN tại nước ta trước đây, đặc biệt ở các vùng nông nghiệp đồng bằng thường nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình và phương pháp nuôi trồng dựa theo kinh nghiệm là chủ yếu nên năng suất và chất lượng thấp, khả năng “vươn xa” của nông sản gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó là công nghệ chế biến cũ kỹ, lạc hậu dẫn đến việc nông sản đến tay người tiêu dùng chủ yếu theo mùa vụ, giá trị không cao, hiện tượng được mùa - mất giá diễn ra thường xuyên. Bước vào giai đoạn đổi mới, các quy trình sản xuất mới được ngành Nông nghiệp phổ biến, hướng dẫn đến người nông dân. Trong khi đó các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp có những nghiên cứu bài bản về nông hoá, thổ nhưỡng, khí hậu, môi trường để khuyến cáo người nông dân nên tập trung sản xuất các loại trái cây, nuôi trồng những loại thuỷ hải sản phù hợp với điều kiện tự nhiên. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực sản xuất, đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất tạo ra những nông sản đặc sản chất lượng, năng suất cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tăng cao giá trị nông sản, giúp nông dân thoát nghèo. Tuy nhiên, trong thời gian dài, việc tiêu thụ nông sản sản xuất ra vẫn là những phong trào tự phát, người nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, ngay cả công cụ sản xuất, các loại thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón, quy trình sản xuất cũng phụ thuộc và người sản xuất hoàn toàn khó có khả năng tiếp cận thông tin minh bạch về thị trường, về nhu cầu và xu hướng tiêu dùng. Ứng dụng AI trong SXNN tạo nên chuỗi giá trị bền vững. Từ những tối ưu và khả năng phân tích dữ liệu cảm biến tại các vùng nguyên liệu khác nhau, AI đưa ra những dữ kiện dựa trên dữ liệu lớn như thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, lượng mưa, nhiệt độ từ đó cung cấp các thông tin cần thiết để người sản xuất ra quyết định lựa chọn chủng loại, thời gian xuống giống và các điều kiện khác phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, AI còn có khả năng phân tích, dự báo năng suất, chuỗi cung ứng từ đó, các vùng nguyên liệu, vùng trồng có thể xây dựng kế hoạch phù hợp cho mỗi mùa vụ. Đặc biệt, với khả năng lưu trữ, phân thích dữ liệu lớn AI còn cho biết các loại sâu bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất đối với từng thời điểm, từng loại giống cũng như phân tích sâu về thị trường, khả năng tiêu thụ, nhu cầu tiêu dùng từ nhiều nguồn dữ kiện khác nhau, giúp nhà sản xuất đưa ra quyết định về chủng loại, số lượng, giảm thiểu được rủi ro trong sản xuất và kinh doanh.
Việc ứng dụng công nghệ số vào SXNN cùng với các thiết bị hiện đại, tự động hoá quy trình sản xuất cũng như ứng dụng triệt để các nền tảng thông minh trong SXNN đã và đang tối ưu hoá quy trình sản xuất và quá trình quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn để đưa ra thị trường thông qua TMĐT từ đó giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao trong SXNN còn tạo ra các sản phẩm hữu cơ trái mùa, tăng giá trị sản phẩm thông qua các phương pháp canh tác mới từ việc tạo ra môi trường tương tự môi trường tự nhiên trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp.