SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp: Đòn bẩy cho nông nghiệp xanh, bền vững

[24/04/2025 10:36]

Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng có nhiều ứng dụng vào nông nghiệp, từ phân tích đất, dự báo thời tiết đến robot thu hoạch, hứa hẹn nâng cao năng suất, tiết kiệm tài nguyên và thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

AI tối ưu hóa quy trình canh tác

AI là ngành khoa học máy tính do con người lập trình, giúp máy tính tự động hóa những hành vi thông minh như giao tiếp hiểu ngôn ngữ, học tập, suy nghĩ và lập luận. Trong nông nghiệp, AI cho phép phân tích sâu rộng dữ liệu đất đai như độ pH, độ ẩm, nồng độ dinh dưỡng để đưa ra khuyến nghị tối ưu hóa quy trình bón phân, tưới tiêu và chọn giống. Kết hợp cùng internet vạn vật (IoT), AI sẽ số hóa thế giới thực và giám sát liên tục hiệu quả sử dụng tài nguyên, giúp nông dân giảm thất thoát phân bón, nước và điện năng.

AI dần trở thành trợ thử đắc lực trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá nhân loại đang sử dụng chưa hiệu quả nguồn lực sẵn có: lãng phí lương thực hơn 30%, hiệu suất điện năng chỉ 30 - 40%, chỉ 5% dữ liệu được phân tích và sử dụng hiệu quả. Bộ trưởng cho rằng “AI và IoT là lời giải” khi có thể giám sát toàn bộ hoạt động, đánh giá và điều chỉnh kịp thời, hướng tới tiêu dùng xanh. Bộ trưởng đề xuất phát triển trợ lý ảo 24/7 có thể trả lời mọi vướng mắc, hướng người dân sống xanh và tiêu dùng xanh.

Thực tế, ứng dụng robot nông nghiệp được xem là bước tiến quan trọng. Các robot tự hành trang bị cảm biến và AI có khả năng thu thập thông tin về cây trồng, đất đai, thời tiết, sau đó tự động thực hiện tưới, cắt tỉa và thu hoạch. Tại Việt Nam, VinEco đã thử nghiệm robot hái rau tự động trong nhà màng, giúp tiết kiệm nhân công và đồng nhất chất lượng sản phẩm.

Ở quy mô trang trại lớn, mô hình tái canh cà phê của Netafim Việt Nam đạt năng suất 5 tấn/ha ngay vụ đầu tiên, tăng gấp 3 lần so với phương pháp truyền thống, nhờ hệ thống điều khiển tưới tiêu tự động và phân tích dữ liệu đất bằng AI. Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) ứng dụng trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G, cập nhật thông tin sâu bệnh, nhiệt độ, lượng mưa, giúp người dân lên kế hoạch chăm sóc chính xác.

Với vùng nguyên liệu 7.000 - 8.000 ha, công ty CP mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) phối hợp cùng aus4innovation và đại học Wollongong (Úc) triển khai “mắt thông minh” kết hợp máy bay không người lái và IoT để theo dõi độ ẩm, dinh dưỡng và bệnh hại. Bằng GIS tích hợp AI, cán bộ kỹ thuật giám sát toàn bộ quá trình canh tác, đưa ra cảnh báo thời tiết cục bộ và định tuyến vận chuyển mía, giảm chi phí và nâng cao sản lượng.

Đột phá ứng dụng AI tại Việt Nam và thế giới

Nhìn ra thế giới, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã xây dựng nông trại thẳng đứng lớn nhất với công nghệ thủy canh và máy học, giúp cây trồng sinh trưởng tối ưu trong điều kiện khắc nghiệt. Đại sứ UAE tại Việt Nam Bader Al Matrooshi khẳng định AI là chìa khóa để hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Ở châu Phi, Kenya đẩy mạnh ứng dụng AI trong nông nghiệp nhỏ lẻ. Bộ trưởng quốc phòng Kenya Hon Soipan Tuya cho biết nhiều nông hộ sử dụng nền tảng AI để nhận thông tin thời tiết chi tiết, từ đó điều chỉnh lịch tưới tiêu, bảo vệ mùa màng và giảm thất thoát sau thu hoạch. Các công ty chế biến nông sản tại đây cũng dùng AI để tự động hóa chuỗi cung ứng, giảm lãng phí thực phẩm và cải thiện thu nhập cho nông dân.

Tại Việt Nam, ngay cả các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng góp mặt trên bản đồ AI nông nghiệp toàn cầu. Enfarm - nền tảng ứng dụng AI và IoT đo lường dinh dưỡng đất - được chọn từ gần 800 dự án dự Hội nghị thượng đỉnh AI toàn cầu tại Paris hồi đầu năm 2025. Công nghệ học máy của Enfarm đã giúp tăng năng suất cà phê tại Đắk Lắk lên 30% và giảm 30% lượng phân bón. 

Bên cạnh đó, các công ty như FAMIS và DTS-MARD đã hợp tác với viện nghiên cứu trong nước để triển khai mô hình phân tích đất và dự báo sâu bệnh bằng AI. Kết quả sơ bộ cho thấy chất lượng trái cây, rau củ cải thiện rõ rệt, giảm tối đa việc phun thuốc bảo vệ thực vật không cần thiết.

AI không chỉ dừng lại ở đồng ruộng, mà còn thay đổi cách quản lý – giám sát và tối ưu hóa toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp. Từ thiết bị canh tác, kho lạnh đến khâu vận chuyển, AI giúp nhà quản lý ra quyết định kịp thời, giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Khi ứng dụng AI một cách đồng bộ và bền vững, nông nghiệp Việt Nam sẽ bứt phá cả về năng suất lẫn chất lượng, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường và biến động khí hậu. Việc tiếp tục đầu tư hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện hành lang pháp lý là những nhiệm vụ then chốt để “kỹ thuật số hóa đồng ruộng” thực sự mang lại giá trị đích thực.

Duy Trinh (tnxmai)

https://vietq.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-san-xuat-nong-nghiep-don-bay-cho-nong-nghiep-xanh-ben-vung-d232647.html
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ