SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Khe hở giữa hai răng cửa giữa hàm trên ở người Việt trưởng thành

[26/04/2025 10:32]

​​​​​​​Các tác giả Huỳnh Hữu Thục Hiền, Phạm Thị Mai Thanh, Nguyễn Bùi Thanh Trâm, Trần Ngọc Thụy Minh, Trần Lâm Minh Thư - Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu với các mục tiêu: (1) Xác định tỉ lệ hở kẽ răng cửa giữa hàm trên người Việt trưởng thành; (2) Mối liên quan giữa tình trạng hở kẽ răng cửa giữa hàm trên và đặc điểm thắng môi trên.

Hở kẽ giữa hay hở giữa hai răng cửa giữa hàm trên (Midline diastema) là tình trạng hai răng cửa giữa hàm trên không có tiếp xúc bên với nhau và khoảng hở giữa hai răng này lớn hơn 0,5mm. Tình trạng này thường gặp ở hệ răng sữa; có thể gặp ở răng hỗn hợp như là một phần trong sự phát triển của bộ răng. Ở người trưởng thành, khe hở giữa hai răng cửa giữa hàm trên có thể là một vấn đề thẩm mỹ nghiêm trọng đòi hỏi phải can thiệp điều trị. Tỉ lệ người có khe hở giữa hai răng cửa trong các nghiên cứu thay đổi từ 13,6% đến 23,2%. Cousineau K (2022) nhận thấy tỉ lệ hở kẽ giữa khác nhau giữa các chủng tộc, trong đó người Mỹ gốc Tây Ban Nha có tỉ lệ cao nhất (35%), kế đến là người da trắng (25%), người Mỹ gốc Phi (17%) và thấp nhất chỉ 4% ở người gốc Á. Hở kẽ giữa có thể liên quan đến kích thước răng, tương quan răng xương ổ, bất thường răng cửa bên thiếu hoặc nhỏ, có răng dư kẽ giữa, thắng môi bám thấp hoặc do tật đẩy lưỡi…

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả khảo sát sinh viên năm thứ nhất Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận khe hở hơn 0,5 mm giữa hai răng cửa giữa trên bằng cách dùng thước giấy. Tất cả sinh viên cũng được khám đánh giá vi trí thắng môi trên theo phân loại Mirko (1974) và hình dạng thắng theo phân loại Sewerin (1971). Sử dụng bảng câu hỏi để khảo sát cảm nhận thẩm mỹ, chức năng và nhu cầu điều trị đối với sinh viên có hở kẽ.

Kết quả: Qua khám đánh giá 1.597 sinh viên gồm 962 nữ (60,2%) và 635 nam (39,8%) ghi nhận có 92 người có tình trạng hở kẽ giữa (5,76%). Trong đó có 29 nam (31,52%) và 63 nữ (68,49%), không có sự khác biệt giới tính về tình trạng hở kẽ giữa. Có khác biệt có ý nghĩa về vị trí thắng môi giữa nhóm có và không có hở kẽ giữa (p <0,01), những người có vị trí thắng môi bám thấp có tỉ lệ hở kẽ giữa cao hơn so với người có vị trí bám bình thường. Khả năng có khe hở giữa hai răng cửa hàm trên cao gấp 9,81 lần ở nhóm thắng môi trên bám bất thường so với nhóm có vị trí bám bình thường (OR=9,81. 95%CI=5,21-18,7).

Kết luận: Tỉ lệ khe hở kẽ giữa trong mẫu nghiên cứu là 5,76%. Có mối liên quan giữa khe hở giữa hai răng cửa với vị trí bám của thắng môi trên. Kết quả này gợi ý vai trò quan trọng của thăm khám thắng môi trong đánh giá và điều trị thẩm mỹ răng cửa giữa.

tnxmai.

Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh (Tập 28 * Số 3* 2025)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ