Tỷ lệ tái nhập viện lần đầu trong 90 ngày và một số yếu tố liên quan ở bệnh nhân đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ năm 2023–2025
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới và thường xuyên dẫn đến các đợt cấp phải nhập viện. Tái nhập viện trong thời gian ngắn sau đợt cấp COPD không chỉ làm tăng gánh nặng cho hệ thống y tế mà còn làm giảm chất lượng sống và tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các nghiên cứu chuyên sâu theo dõi tái nhập viện sau đợt cấp COPD vẫn còn hạn chế.

Ảnh minh họa
Nghiên cứu do nhóm tác giả của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thực hiện, nhằm xác định tỷ lệ tái nhập viện lần đầu trong vòng 90 ngày và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân nhập viện vì đợt cấp COPD. Nghiên cứu mô tả cắt ngang này được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, với 110 bệnh nhân từ năm 2023 đến 2025. Các bệnh nhân được theo dõi trong 90 ngày sau khi xuất viện để ghi nhận tình trạng tái nhập viện và phân tích mối liên quan với các yếu tố lâm sàng như chỉ số khối cơ thể (BMI), điểm mMRC, điểm CAT, nhóm phân loại GOLD và tiền sử có đợt cấp trong 12 tháng trước.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ tái nhập viện trong vòng 90 ngày vì đợt cấp COPD là 12,7%. Các yếu tố có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ tái nhập viện gồm: BMI ≤ 20 kg/m² (p=0,039), điểm khó thở mMRC ≥ 2 (p=0,006), điểm CAT ≥ 10 (p=0,002), thuộc nhóm E theo phân loại GOLD (p=0,038) và có tiền sử ≥ 1 đợt cấp nhập viện trong 12 tháng qua (p=0,018). Thời gian trung bình tái nhập viện của nhóm E cũng ngắn hơn đáng kể so với các nhóm A và B, với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p=0,003).
Các kết quả này góp phần cung cấp bằng chứng khoa học về vai trò của các yếu tố lâm sàng trong tiên lượng nguy cơ tái nhập viện sớm sau đợt cấp COPD. Qua đó, giúp các bác sĩ lâm sàng nhận diện sớm những bệnh nhân có nguy cơ cao để đưa ra các can thiệp dự phòng thích hợp, đặc biệt là trong 90 ngày đầu tiên sau xuất viện – khoảng thời gian "nhạy cảm" với nhiều biến cố. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh vai trò của việc theo dõi sát và quản lý tích cực nhóm bệnh nhân COPD nhóm E – nhóm có nguy cơ cao nhất.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y Dược học Cần Thơ –Số 85/2025.