SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Bước đầu nghiên cứu xử lý chất thải nông nghiệp nông thôn làm cơ chất nuôi trồng nấm Pleurotus tuber-regium

[27/04/2025 21:39]

Nấm rất đa dạng và dồi dào phân bố trên toàn thế giới và phát triển ở nhiều dạng môi trường sống khác nhau, kể cả sa mạc, nơi tập trung nồng độ muối cao hay có phóng xạ ion hóa, cũng như trầm tích biển sâu. Đa phần nấm sống ở trên cạn, có một số loài sống ở môi trường nước. Nấm và vi khuẩn là những sinh vật phân huỷ chính có vai trò quan trọng đối với các hệ sinh thái trên cạn trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam với nguồn phụ phế phẩm từ nông nghiệp nông thôn giàu chất xơ hết sức phong phú và có số lượng rất lớn như rơm rạ, xơ dừa, lõi ngô, bã mía, mùn cưa tạo điều kiện tốt cho ngành trồng nấm phát triển mạnh nhưng lại chưa được sử dụng một cách hiệu quả. Chất thải nông nghiệp như lõi ngô, bã mía, mùn cưa khi thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm khi chưa được tận dụng hợp lý gây lãng phí tài nguyên. 

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay cũng chưa có một quy trình hoàn chỉnh nào về việc bảo vệ và phát triển loại nấm dược liệu Pleurotus tuber-regium này. Do đó, nhóm tác giả tiến hành khảo sát các ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của hệ sợi và sự hình thành quả thể của nấm dược liệu này với 02 mẫu nghiên cứu là bã mía và mùn cưa với mục đích đưa ra quy trình xử lý chất thải nông nghiệp phù hợp nhất để làm cơ chất trồng thành công nấm dược liệu có thành phần dinh dưỡng và hoạt tính mạnh nhất phục vụ cho thực phẩm và y dược. Nghiên cứu này được thực thiện nhằm mục đích nghiên cứu khả năng ứng dụng của nấm Pleurotus tuber-regium trong việc xử lý chất thải nông nghiệp nông thôn.

1. Vật liệu

1.1. Giống nấm

Kế thừa giống nấm Pleurotus tuber-regium (Mã code: E03TT24) được thu thập từ Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, tỉnh Hòa Bình.

1.2. Mùn cưa

Mùn cưa là một loại vật liệu hữu cơ có nguồn gốc từ các loại gỗ, tre, nứa được bào mỏng, nghiền vụn thành những hạt có kích thước nhỏ. Do kích thước của chúng quá nhỏ bé và không đồng đều nên trước đây mùn cưa ít được sử dụng trong cuộc sống và chỉ được coi như một loại rác thải tự nhiên. Đây là một nguyên liệu phổ biến và dễ dàng tìm thấy, thường được tạo ra trong quá trình chế biến gỗ. Mùn cưa chứa nhiều chất dinh dưỡng như cellulose, hemicellulose, và lignin, làm cho nó trở thành một môi trường lý tưởng cho sự phát triển của nấm Pleurotus tuber-regium.  

Sử dụng mùn cưa để trồng nấm là một cách tốt để tái chế chất thải gỗ và giảm thiểu lượng chất thải trong môi trường. Mùn cưa thường có giá thành thấp hoặc thậm chí là miễn phí nếu có thể thu thập từ các nhà máy hoặc xưởng chế biến gỗ. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất nấm.

1.3. Bã mía

Bã mía có màu trắng ngà, xanh nhạt hoặc tím tùy thuộc vào đặc điểm ban đầu của từng loại mía. Bã mía có dạng sợi, không tan trong nước hay các loại dung môi khác. Bã mía có thành phần hóa học gồm Xenlulozơ, Lignin, Hemixenluloza và các chất hòa tan khác như tro, sáp, protein… Những thành phần này có thể thay đổi tùy thuộc vào giống mía, điều kiện sinh sống và quy trình chăm sóc. 

Bã mía là thành phần được sử dụng như phân hữu cơ làm giàu dinh dưỡng cho đất, thay thế phân bón thông thường. Việc tận dụng bã mía cho trồng nấm Pleurotus tuber-regium nhằm hạn chế lượng bã mía vứt ra ngoài môi trường và giảm kinh phí sản xuất nấm.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bước đầu khảo sát nuôi trồng hệ sợi của giống nấm Pleurotus tuber- regium trên môi trường thạch PDA với các yếu tố nhiệt độ và pH khác nhau. Khi hệ sợi đã lan đủ ra toàn bộ đĩa petri tiếp tục tiến hành việc cấy truyền sang môi trường cấp 2 bao gồm thóc và các chất dinh dưỡng bổ sung. Tiếp tục để hệ sợi lan ra toàn bộ môi trường cấp 2 như trên. Sau khi đạt yêu cầu ở bước thứ 2 tiếp tục cấy truyền sang môi trường thứ 3 gồm các cơ chất là mùn cưa và bã mía được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng. Cuối cùng là chăm sóc, thu hái, đánh giá chất lượng cũng như thành phần hóa học có trong giống nấm Pleurotus tuber- regium.

* Các yếu tố khảo sát

Các yếu tố đánh giá bao gồm: 

- Nhiệt độ: khảo sát trên dải nhiệt độ 20oC; 25oC; 30oC, 35oC đối với cấp 1; 30 và 35oC với môi trường cấp 3.

- pH: khảo sát trên dải pH 6; 6,5; 7.

- Cơ chất nuôi trồng: sử dụng 02 loại cơ chất là mùn cưa và bã mía được phối trộn với 2 nguồn dinh dưỡng có 3 công thức phối trộn khác nhau. 

Nuôi trồng môi trường cấp 1 (Môi trường PDA)

Tiến hành làm môi trường PDA (Potato Dextrose Agar) và đổ đĩa được điều chỉnh pH 6, 6.5 và 7. Điều chỉnh bằng dung dịch NaOH 10%. Đổ môi trường cấp 1 của từng pH ra bình tam giác (sử dụng nút bông hoặc giấy bạc để đậy chặt miệng bình). 

Tiến hành cấy truyền giống cấp 1. Nuôi trồng hệ sợi của nấm trong dải nhiệt độ: 200C, 250C, 300C, 350C của từng dải pH trong 7-10 ngày.            
Nuôi trồng môi trường cấp 2 (Môi trường thóc)

Thóc được rửa sạch, loại bỏ hạt lép rồi được ngâm trong nước từ 6-8 tiếng. Sau đó đem đi rửa lại sạch, luộc thóc cho đến khi thóc nở được ⅓ (thóc tách vỏ để thấy đc phần màu trắng bên trong). Rửa lại thóc thật sạch sau đó để ráo nước. thóc đã ráo đem trộn với cám ngô và cám gạo tỉ lệ 10% so với lượng thóc sau khi đã luộc chín. Cho thóc vào bình thủy tinh (không để thóc quá đầy chạm đến miệng bình, thóc nên cách từ 3-5cm so với miệng bình) ta thu được môi trường nhân giống cấp 2.

Tiến hành cấy truyền từ môi trường cấp 1 sang môi trường cấp 2. 

Nuôi trồng môi trường cấp 3 (Môi trường mùn cưa và bã mía).

* Xử lí sơ bộ bã mía

Bã mía sau khi được lấy về cần băm nhỏ kích thước khoảng 2-4cm. Sau đó rửa sạch với nước nhiều lần và ngâm nước ít nhất 12 tiếng để loại bỏ bớt đường có trong bã mía. Thực hiện liên tục trong 48 tiếng. Sau thời gian ngâm để loại bỏ đường, vớt ra để ráo nước rồi đem phơi khô bã mía.

Ủ đống bã mía với nước vôi tỉ lệ 20% trộn đều. Chú ý: Bóp chặt bã mía trong tay thấy ướt kẽ tay là đạt yêu cầu, không được quá khô hay quá ướt. Lúc này, độ ẩm của bã mía khoảng 75%. Sau 1-2 ngày nên đảo đống bã mía để tránh bã mía quá nóng cũng như lượng ẩm không đều. Ủ đống từ 4-7 ngày ta thu được cơ chất bã mía.

* Xử lý sơ bộ mùn cưa

Mùn cưa sau khi lấy về chỉ cần ủ đóng tương tự như bã mía với vôi 20%, lượng nước ẩm kẽ tay. Đảo đống sau 1-2 ngày giúp bã mía quá nóng cũng như làm đều lượng ẩm trong mùn cưa. Ủ đống từ 4-7 ngày ta thu được cơ chất mùn cưa.

2. Kết luận 

Sau thời gian nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thực hiện được các kết quả như sau: đã khảo sát với pH 6, 6.5, 7 và nhiệt độ 20oC, 25oC, 30oC, 35oC nhóm nghiên cứu đã lựa chọn trồng nấm tối ưu và đạt kết quả tốt nhất là ở pH 6.5, nhiệt độ 25oC và 30oC; Nuôi trồng nấm dược liệu Pleurotus tuber - regium với với công thức 1 trên cơ chất mùn cưa thành công với tỉ lệ mùn cưa 75% + cám ngô + cám gạo 24% + vôi 1%; Đề xuất được quy trình nuôi trồng ở các điều kiện nhiệt độ nuôi hệ sợi là 25oC và 30oC, nhiệt độ với sự phát triển quả thể là 30oC ± 2oC; pH phù hợp là 6,5 và cơ chất phù hợp đã khảo sát là mùn cưa; Đã mô tả sơ bộ đặc điểm hình thái nấm ăn và dược liệu Pleurotus tuber - regium. 

Tạp chí xây dựng
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ