Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí áp dụng thực nghiệm tại khu vực mỏ than Vàng Danh, tỉnh Quảng Ninh
Việt Nam là một trong những quốc gia có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á, với trữ lượng khoảng 6,6 tỷ tấn, trong đó trữ lượng có thể khai thác là 3,6 tỷ tấn. Trữ lượng than tập trung chủ yếu ở tỉnh Quảng Ninh (chiếm khoảng 90%).
Khu vực mỏ than Vàng Danh thuộc phần Đông Nam của dãy núi Bảo Đài - Yên Tử, địa hình cao ở phía bắc khu mỏ và thấp dần về phía nam. Đỉnh cao nhất là đỉnh Bảo Đài cao trên 900m.

Quá trình khai thác than phát sinh ra đất đá thải loại là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tác động cộng hưởng về phát thải bụi từ các mỏ, gây suy giảm chất lượng môi trường không khí do ô nhiễm bụi ở các khu dân cư ở trong vùng khai thác.
Trong những năm qua, đã có nhiều biện pháp cũng như xây dựng các công trình xử lý môi trường nhằm giảm thiểu các tác động của quá trình, hoạt động khai thác mỏ ảnh hưởng đến môi trường như: xây dựng hệ thống xử lý nước thải mỏ, xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt của công nhân mỏ, xây dựng hệ thống xử lý nước nhiễm dầu, xây dựng hệ thống xử lý khí thải lò hơi…
Ngoài ra, còn có một số biện pháp giảm thiểu bụi trong quá trình, hoạt động sản xuất như trang bị xe tưới đường trên tuyến đường vận chuyển trong mỏ, trồng cây xanh ngăn cách bụi và giảm thiểu tiếng ồn…., tuy nhiên chưa đạt được hiệu quả cao.
Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu đánh giá được hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí và đề xuất các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí tại khu vực mỏ than Vàng Danh.
1. Phương pháp nghiên cứu
Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát thực địa tại mỏ than Vàng Danh, tỉnh Quảng Ninh như sau: Quan sát, điều tra, chụp ảnh hiện trạng về tình hình hoạt động, khai thác của mỏ, các hoạt động gây ô nhiễm môi trường không khí tại khu vực và các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí đang được triển khai; Khảo sát, đo đạc tại một số điểm trên hiện trường của khu vực mỏ than Vàng Danh và sử dụng phương pháp thống kê để phân tích, đánh giá chất lượng không khí vùng đó.
Mỏ than Vàng Danh khai thác với 02 hình thức là khai thác hầm lò và khai thác lộ thiên, tuy nhiên hiện tại chỉ hoạt động 01 hình thức là khai thác hầm lò.
Quy trình nghiên cứu
+ Khảo sát, lấy mẫu đánh giá hiện trạng môi trường tại khu vực mỏ than Vàng Danh.
+ Hiện trạng chất lượng môi trường không khí và đánh giá tác động môi trường do ô nhiễm không khí tại khu vực mỏ than Vàng Danh.
+ Đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí tại khu vực mỏ than Vàng Danh.
+ Thực nghiệm thực tế (01 giải pháp) và đánh giá hiệu quả tại khu vực mỏ than Vàng Danh.
Các vị trí quan trắc lấy mẫu mang tính đại diện, phát thải nhiều từ các hoạt động sản xuất của mỏ than Vàng Danh, cụ thể: Khu vực tuyến đường vận chuyển, khu vực cửa giếng (khai thác hầm lò); tuyến đường vận chuyển đổ thải, bãi thải, khu vực sàng tuyển, khu vực đường goòng vận chuyển than (từ khai thác hầm lò) và khu vực dân cư gần khu vực mỏ than Vàng Danh. Các vị trí được lấy mẫu đo đạc, phân tích môi trường không khí để đánh giá chất lượng môi trường không khí tại mỏ than Vàng Danh, bao gồm 10 vị trí. Thông số giám sát bao gồm: bụi tổng, SO2, NO2, CO.
Phương pháp lấy mẫu: Bụi theo TCVN 5067:1995; SO2 theo TCVN 5971:1995; NO2 theo TCVN 6137:2009; CO theo 3T.Co.S.A.01.
Từ các kết quả thu được tiến hành tổng hợp (lập bảng), số liệu được thống kê và xử lý trên Excel, so sánh với quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh (QCVN 05:2023/BTNMT) và đánh giá để xác định độ tin cậy của thông tin và kết quả nghiên cứu đưa ra kết luận cuối cùng.
Thực nghiệm thực tế (01 giải pháp phun nước tưới đường tự động trên tuyến đường vận chuyển) và đánh giá hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm từ giải pháp đối với khu vực mỏ than Vàng Danh - Vinaconmin.
2. Kết luận
Nghiên cứu này đã tiến hành lấy mẫu, phân tích chất lượng môi trường không khí tại khu vực mỏ than Vàng Danh cho thấy thông số bụi tại một số vị trí hiện đang vượt QCCP do ảnh hưởng từ quá trình vận tải, hoạt động sản xuất của mỏ.
Nghiên cứu đã tiến hành nêu ra các giải pháp giảm thiểu mô nhiễm không khí khu vực mỏ than Vàng Danh và đề xuất thực nghiệm với phương án rửa đường. Chất lượng không khí sau khi áp dụng biện pháp thực nghiệm trên tuyến đường vận chuyển, hàm lượng bụi đã thấp hơn giới hạn của QCVN 05:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí. Hiệu quả xử lý bụi cao, hàm lượng bụi đã giảm khoảng 50-60% hàm lượng bụi ban đầu.