Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng
Ngày 25 tháng 4 năm 2025, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Cục ĐCK) - Bộ Công Thương, phối hợp cùng Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) và Touchstone Partners, tổ chức vòng Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng tại TP. Hồ Chí Minh.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng" (AIS4EE) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Dự án nhằm thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và gia tăng đầu tư trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.
Đại diện các cơ quan Chính phủ, quỹ đầu tư, cộng đồng khởi nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng đã tham dự sự kiện.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục ĐCK (Bộ Công Thương) - chủ dự án AIS4EE, nhấn mạnh: Tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tập trung vào ba lĩnh vực tiêu thụ chủ yếu (công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải) là nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng giao tại Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình VNEEP3 (2019–2030). Chương trình hướng tới mục tiêu giảm 8–10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc vào năm 2030.
Đồng hành cùng nỗ lực của Việt Nam, trong khuôn khổ Chương trình Chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam – EU (SETP), EU đã tài trợ Bộ Công Thương triển khai dự án AIS4EE, với GGGI là đơn vị thực hiện chính.
Bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục ĐCK (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc sự kiện
Trong khuôn khổ dự án, Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng được phát động từ tháng 8/2024, dưới sự đồng hành chuyên môn của Quỹ đầu tư Touchstone Partners. Chương trình đã thu hút hơn 140 hồ sơ từ hơn 20 quốc gia, với 83 dự án từ các doanh nghiệp khởi nghiệp và 65 ý tưởng của học sinh, sinh viên.
Trải qua quá trình sàng lọc, 13 doanh nghiệp và 11 nhóm học sinh, sinh viên đã được chọn vào chương trình tăng tốc kéo dài 9 tuần. Các đội thi được hỗ trợ toàn diện từ cố vấn chuyên môn, hoàn thiện dự án, mô hình kinh doanh, tới tham gia các hoạt động kết nối đầu tư trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, 13 doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia chương trình gọi vốn tại Singapore, trong khi 11 nhóm sinh viên có cơ hội tham quan hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, các đội thi đã nâng cao năng lực tiếp cận thị trường và hoàn thiện kế hoạch phát triển để tham dự sự kiện Demo Day - Chung kết cuộc thi.
Vòng Chung kết ghi dấu sự trưởng thành của các đội thi và thành quả của chương trình tăng tốc trong việc thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng.
Tại sự kiện, các đội thi đã trình bày dự án trước hội đồng giám khảo và nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Ban tổ chức đã chọn ra 03 đội thi xuất sắc nhất ở mỗi bảng thi, với tổng giá trị giải thưởng lên đến 45.000 USD, gồm 35.000 USD cho các doanh nghiệp và 10.000 USD cho nhóm học sinh, sinh viên.
Ban Tổ chức trao chứng nhận cho các doanh nghiệp tham gia vòng Chung kết Cuộc thi
Kết quả cụ thể:
Bảng Doanh nghiệp khởi nghiệp:
Giải Nhất: VIoT Energy Efficiency Platform (VEEP) – Nền tảng quản lý năng lượng dựa trên điện toán đám mây và công nghệ AIoT.
Giải Nhì: EEESCO – Giải pháp tối ưu hóa hệ thống làm lạnh dựa trên mô hình hóa, tăng hiệu quả năng lượng cho hệ thống làm lạnh.
Giải Ba: VOXCOOL – Công nghệ pin lạnh tích hợp AI và IoT để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Bảng Học sinh, sinh viên:
Giải Nhất: EnergiShift – Dịch vụ lưu trữ điện và giải pháp tối ưu năng lượng bằng AI, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà không cần đầu tư ban đầu.
Giải Nhì: RH2O – Giải pháp thay thế xanh cho HVAC truyền thống, giảm khí thải, nâng cao chất lượng không khí và thiết kế bền vững.
Giải Ba: EFFICOOL ENHANCER – Startup phát triển các giải pháp công nghệ thân thiện môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Kết thúc vòng Chung kết, dù sự kiện đã khép lại nhưng các dự án, giải pháp đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh của các đội thi sẽ tiếp tục được phát triển. Qua đó, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu của Chương trình VNEEP3, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.
tietkiemnangluong.com.vn | vneec.gov.vn