Bảo vệ bản quyền âm nhạc: Hành trình nhiều chông gai
Sự phát triển của công nghệ đã dẫn đến nhiều thách thức mới cho quá trình bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc tại Việt Nam.

LTS: Nhằm tôn vinh vai trò của sở hữu trí tuệ trong đời sống kinh tế - xã hội và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn ngày 26/4 hàng năm là “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”. Mỗi năm, WIPO lựa chọn một chủ đề riêng cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới. Chủ đề năm nay là "Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ". Nhân dịp này, chúng ta sẽ nhìn lại vai trò của bản quyền âm nhạc đối với kinh tế - xã hội và lịch sử bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc tại Việt Nam.
Nhắc đến bản quyền ở Việt Nam, hầu hết đều nghĩ đến tình trạng xâm phạm quyền tràn lan, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc. Do vậy, không ít người bất ngờ khi biết rằng trong giai đoạn 2019-2022, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đứng thứ nhất trên thế giới về tốc độ tăng trưởng trong thị phần bản quyền âm nhạc trên nền tảng số - theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế (CISAC).
Âm nhạc giờ đây không chỉ là “món ăn tinh thần” mà còn là ngành công nghiệp “hái ra tiền”. Doanh thu bản quyền âm nhạc trên toàn cầu năm 2023 đã đạt 45,5 tỷ USD, lớn hơn 38% so với lĩnh vực điện ảnh - theo một báo cáo do Will Page, cựu Giám đốc Kinh tế của Spotify công bố vào cuối năm ngoái. Tình thế đảo ngược hoàn toàn so với bốn năm trước đó, năm 2019, doanh thu trong lĩnh vực điện ảnh lớn hơn 33% so với bản quyền âm nhạc.
Sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc gắn liền với sở hữu trí tuệ. Đây là lý do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ (26/4) năm nay là “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ”. Theo WIPO, sở hữu trí tuệ đã đưa âm nhạc ra vượt ra khỏi phạm vi của chính mình để hiện diện và thẩm thấu vào trong mọi lĩnh vực. Từ phim ảnh, giải trí, công nghệ, thời trang, hàng hóa tiêu dùng…, quyền sở hữu trí tuệ kết nối giữa các ngành công nghiệp với âm nhạc, cùng hợp tác sáng tạo và đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Những bước tiến lớn
Hơn 20 năm trước, bản quyền âm nhạc vẫn là câu chuyện xa lạ ở Việt Nam. Các hình thức xâm phạm quyền đối với tác phẩm âm nhạc phổ biến ở khắp mọi nơi. Từ việc làm tác phẩm phái sinh mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu - những bài hát nhạc ngoại lời Việt, cho đến sử dụng băng đĩa lậu tràn lan. Không riêng âm nhạc, hầu hết các sản phẩm sáng tạo khác cũng chung tình cảnh. “Tỉ lệ xâm phạm bản quyền ở Việt Nam cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, với gần 100% hàng hóa (sách, băng đĩa nhạc, phần mềm…) xâm phạm bản quyền”, theo một công bố về tình trạng xâm phạm bản quyền ở Việt Nam của tác giả Julie Siefkas trên tạp chí Florida Journal of International Law vào năm 2002.
Nhiều người cho rằng, dù bất hợp pháp song đây là cách duy nhất giúp người dân Việt Nam được tiếp cận những tác phẩm mới trong điều kiện kinh tế đầy khó khăn. Tuy nhiên, dưới góc nhìn rộng hơn, tình trạng xâm phạm bản quyền đã chặn đường phát triển của Việt Nam. Vào những năm 80, Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong những năm đầu sau khi thực hiện đổi mới, các khoản đầu tư nước ngoài liên tục đổ vào đã giúp nền kinh tế đi lên. Vốn đầu tư nước ngoài tăng dần qua các năm, từ mức gần như bằng 0 vào cuối những năm 80 lên hơn 33 tỷ USD vào những năm 1990. Tuy nhiên, đến năm 1997, những con số đầy hứa hẹn đã giảm mạnh khi các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường Việt Nam - một phần do thiệt hại kinh tế vì nạn xâm phạm bản quyền. Các công ty trong nước cũng chịu nhiều thiệt hại. Việc thiếu vốn đầu tư đã thu hẹp thị trường, đi ngược lại mục tiêu cải cách kinh tế của Việt Nam cũng như cản trở quá trình tham gia vào thị trường toàn cầu.
Có lẽ, lối thoát duy nhất trước tình thế này là siết chặt bảo hộ bản quyền. Vào thời điểm đó, Việt Nam vẫn chập chững những bước đi đầu tiên trên con đường bảo hộ bản quyền, đi sau hàng trăm năm so với các quốc gia phát triển trên thế giới. Nỗ lực đầu tiên của Việt Nam nhằm tăng cường bảo hộ bản quyền cho các tác phẩm là ban hành một nghị định về quyền tác giả vào năm 1986. Tuy nhiên, việc thực thi đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. “Kết quả là nghị định không đi vào thực tế. Nỗ lực không thành công khiến Việt Nam trở thành ‘thủ phủ sao chép’ khét tiếng”, theo công bố.
Lợi thế của các quốc gia đi sau như Việt Nam là có thể học hỏi, rút kinh nghiệm từ những quốc gia đi trước. Điều này không đơn giản vì đặc điểm kinh tế - xã hội ở mỗi nơi khác nhau, do đó, Việt Nam phải vừa làm vừa sửa để tìm ra “chiếc áo” vừa vặn với mình. Đến những năm 90, Việt Nam ban hành Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả và những nội dung về bảo hộ bản quyền trong Bộ luật Dân sự nhằm khắc phục những thiếu sót trong nghị định trước đây. Tuy nhiên, nạn xâm phạm bản quyền vẫn tiếp diễn vì nhiều lý do, bao gồm định kiến về văn hóa, lợi thế giá rẻ của hàng xâm phạm và những bất cập về mặt pháp lý. “Pháp lệnh không lấp được những lỗ hổng còn bỏ ngỏ trong nghị định mà còn tạo ra những lỗ hổng mới”, theo tác giả Julie Siefkas. Chẳng hạn, Pháp lệnh yêu cầu tác giả nước ngoài phải công bố tác phẩm của mình tại Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày tác phẩm được công bố lần đầu bên ngoài Việt Nam - một điều gần như bất khả thi.
Bước ngoặt xảy ra vào năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam được ban hành. Đây là một trong những điều kiện để Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trước đó, các quy định về bản quyền nói riêng và sở hữu trí tuệ ở Việt Nam nói chung vẫn nằm rải rác ở hơn 40 văn bản pháp luật khác nhau, dẫn đến sự chồng chéo. “Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thừa nhận rằng như một bước tiến to lớn trong việc bảo hộ toàn diện các đối tượng sở hữu trí tuệ và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ trong Hiệp định TRIPS”, theo một bài viết trên trang web của Vision & Associates Legal. Từ đó đến nay, Việt Nam đã trải qua ba lần sửa luật và tham gia nhiều hiệp ước quốc tế về bản quyền cũng như sở hữu trí tuệ.
Cuộc chiến bảo vệ bản quyền
Những bước tiến trên đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp bản quyền âm nhạc ở Việt Nam. Từ một nơi được coi là “miền Tây hoang dã” về bản quyền, giờ đây, lĩnh vực này đang tăng trưởng nhanh chóng. Theo VCPMC - tổ chức quản lý tập thể về quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc tại Việt Nam, số tiền bản quyền họ thu được qua các năm ngày càng tăng. Cụ thể, trong năm 2023, tổng số tiền VCPMC thu được là hơn 344 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2022. Năm ngoái, tổng số tiền thu được tiếp tục tăng, đạt hơn 393 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2023. Số tiền này thu được từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm hoạt động biểu diễn, sử dụng nhạc nền (tại nhà hàng, khách sạn, siêu thị, quán cà phê, bar, karaoke…); phát sóng (trên các đài phát thanh - truyền hình, truyền hình cáp, truyền hình trực tuyến); media (nhạc chuông, nhạc chờ); website, ứng dụng nhạc; sao chép (bản ghi âm - ghi hình, phim ảnh, quảng cáo, sản xuất chương trình, demo...) và tiền bản quyền nhận từ quốc tế.
Tuy nhiên, môi trường số đang đặt ra nhiều thách thức mới. Băng đĩa lậu đã lùi xa nhưng các hình thức xâm phạm bản quyền tinh vi hơn lại xuất hiện. Theo báo cáo của đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn và nghiên cứu Media Partners Asia, trong năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về tỉ lệ xâm phạm bản quyền trên môi trường số, với 15,5 triệu người xem bất hợp pháp. “Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là trên môi trường số khiến tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (quyền đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa) ngày càng phức tạp”, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH, TT, DL), nhận xét trong diễn đàn doanh nghiệp về bảo vệ bản quyền và tri thức tại Việt Nam được tổ chức vào cuối tháng 10/2024.
Dù xâm phạm bản quyền xảy ra với nhiều thể loại tác phẩm khác nhau song âm nhạc vẫn là loại hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo một nghiên cứu trong khuôn khổ dự án “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam” do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện vào năm 2022, âm nhạc là lĩnh vực bị xâm phạm quyền nhiều nhất (76,9%), tiếp theo là điện ảnh (71,6%), các tác phẩm xuất bản, chương trình máy tính (50,7%).
Việc xử lý xâm phạm bản quyền trên môi trường số là một bài toán nan giải ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ cần một cú nhấp chuột hoặc một vài thao tác, bản ghi âm các bài hát, các màn biểu diễn âm nhạc có thể dễ dàng bị phát tán ở khắp nơi trên internet. Khi bị phát hiện và ngăn chặn, các đối tượng có thể nhanh chóng xóa dấu vết và tiếp tục tái phạm.
Nhiều cá nhân, tổ chức đã chủ động tìm các biện pháp để tự bảo vệ mình. Họ thường sử dụng các giải pháp có sẵn ở các nền tảng như công nghệ Content ID của YouTube, công nghệ Right Manager của Facebook,... hoặc công nghệ Finger Printing (công nghệ vân tay) để quản lý, kiểm soát nội dung. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng tiếp cận các biện pháp này. “Các nhà sản xuất phải chi trả rất nhiều tiền để sở hữu, hoặc chỉ để thuê công nghệ bảo vệ nội dung. Do vậy, các biện pháp này dù đã phổ biến và được nhiều nhà sản xuất nội dung biết đến nhưng xét về áp dụng thực tế thì vẫn còn mang tính thiểu số”, theo các luật sư ở Công ty Luật Phan Law.
Trước tình trạng này, trong Luật Sở hữu trí tuệ mới sửa đổi cũng như các văn bản hướng dẫn đã bổ sung thêm nội dung về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số. Trong đó, đáng chú ý là quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, bao gồm: dịch vụ truyền dẫn thông tin; dịch vụ lưu trữ đệm và dịch vụ lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu. Chẳng hạn với doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ đặt máy chủ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm nội dung thông tin số. Các đơn vị trên phải thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, xử lý các thông tin được lưu trữ, truyền đi trên mạng internet, mạng viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan; đồng thời, phải gỡ bỏ và xóa nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cung cấp thông tin về khách hàng thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số và khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian khác khi nhận được yêu cầu của thanh tra hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bài đăng KH&PT số 1341 (số 17/2025)